Hà Nội và Cần Thơ tìm hướng nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giao thương

18:18' - 03/11/2022
BNEWS Trong 9 tháng năm 2022, ước tính số lượng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản từ thành phố Cần Thơ cung cấp cho thị trường tại Hà Nội hơn 434 tấn.

Chiều 3/11, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ về công tác phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và thành phố Cần Thơ.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ đã xây dựng và phát triển 99 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản với 260 sản phẩm đang hoạt động và thành phố đã có 92 sản phẩm OCOP được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đạt 3 sao, 4 sao.

Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố hiện là 464 cơ sở; trong đó, có 379 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản, 55 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực thủy sản và 24 cơ sở chuyên doanh nông, lâm, thủy sản. Lũy kế đã thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho 177 cơ sở.

 

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 5 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Hà Nội; trong đó, có 3 chuỗi được nâng cấp thành chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản bền vững theo chuẩn mực quốc tế (GAP, HACCP, ISO hoặc tương đương). Sản phẩm trong các chuỗi này được phân phối đến Hà Nội thông qua hệ thống phân phối của các đại lý, siêu thị.

Trong 9 tháng năm 2022, ước tính số lượng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản từ thành phố Cần Thơ cung cấp cho thị trường tại Hà Nội hơn 434 tấn; trong đó, gạo ước đạt khoảng 186 tấn, các sản phẩm thuỷ sản ước đạt khoảng 248 tấn.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều chuỗi sản phẩm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và ngược lại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cũng cho biết, thành phố đã ký kết trực tiếp đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với 8 tỉnh, thành. Cần Thơ đã kết nối với sàn thương mại điện tử MekongExpo để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch để khách du lịch muốn mua quà không cần phải mang vác về (khách du lịch khi mua hàng chỉ cần quét mã QR Code đặt hàng, còn hàng hóa sẽ được vận chuyển đến tận nhà). Ngoài đưa lên sàn thương mại điện tử, thành phố Cần Thơ cũng giới thiệu các sản phẩm an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP tại các hội chợ.

Thực hiện chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước (trong đó, có thành phố Cần Thơ) đã xây dựng và phát triển được 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chủ yếu gạo và thủy sản.

Với những sản phẩm lợi thế của thành phố Cần Thơ hiện nay thì thị trường Hà Nội đang là thị trường tiềm năng của nông sản thành phố nhưng nông sản chính của Cần Thơ hiện đang được tiêu thụ tại Hà Nội chủ yếu là thủy sản đông lạnh như cá ba sa, chả cá, cá viên, trái cây, gạo miền Tây là các sản phẩm được người tiêu dùng Hà Nội biết và đánh giá cao.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết Sở luôn quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao của các tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó có thành phố Cần Thơ với người tiêu dùng Hà Nội, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp các địa phương tham gia các hội chợ triển lãm tìm kiếm thị trường.

Tuy nhiên tỷ trọng sản lượng nông, lâm, thủy sản theo chuỗi của thành phố Cần Thơ tiêu thụ tại Hà Nội chưa cao.

Hà Nội mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển thành phố Cần Thơ đẩy mạnh xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ phát triển các chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn cung cấp cho thành phố Hà Nội các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thế mạnh như gạo, thủy sản, trái cây nhằm gia tăng thị phần các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố Cần Thơ tại Hà Nội; tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận, xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp tới doanh nghiệp phân phối người tiêu dùng để nhận biết an tâm sử dụng.

Cho rằng giao thương sản phẩm an toàn nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và có nhiều dư địa kết nối hai chiều, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị hai địa phương nên ưu tiên giao thương các sản phẩm đảm bảo an toàn từ nguồn như giống, nguyên liệu,... và kiểm soát được chất lượng, có mã truy xuất nguồn gốc.

Cần Thơ là thành phố lớn, là địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực và liên kết với các vùng khác. Vì vậy, Cần Thơ xác định làm ra sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương để phát triển, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để dễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng./. 

>>120 vùng nông sản Đồng Nai được cấp mã số xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục