Hà Nội: Vận tải công cộng hút khách trở lại

15:33' - 29/11/2023
BNEWS Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể.

Sau một thời gian sản lượng hành khách bị sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19, thời gian gần đây, vận tải công cộng ở Thủ đô đang hút khách trở lại. Không chỉ học sinh, sinh viên mà nhiều người cao tuổi, cán bộ công chức, nhân viên văn phòng… cũng đã lựa chọn vận tải công cộng làm phương tiện đi lại hàng ngày.

 

Dù chưa phải chịu cảnh đứng chen chúc, “úp thìa” như thời đỉnh cao nhưng gần đây những chuyến xe buýt không còn chỗ trống không còn là hiếm. Quyết định từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân chuyển sang xe buýt để tránh khói bụi, tắc đường cũng như rèn thói quen đi bộ, chị Lan Hoàng ở khu đô thị Linh Đàm thấy phấn khởi bởi trút bỏ được cảm giác căng thẳng, mệt mỏi hàng ngày khi phải đi làm vào giờ cao điểm bằng xe máy.

Tuy nhiên, những tuyến xe buýt chở khách ngày càng đầy lên, vào các khung giờ cao điểm hết ghế ngồi, ngay chỗ đứng cũng hết, thậm chí có những tuyến bỏ “nốt” vì hết chỗ. Lên xe tầm chiều muộn từ nhà chờ trên đường Bà Triệu, người phụ nữ trung niên thở phào nhẹ nhõm khi phụ xe thông báo chiếc xe chạy sau đã hết chỗ, mà trước đó chị đã để lỡ một chuyến. 

Quan sát trên xe có đủ mọi thành phần từ thanh niên, sinh viên, phụ nữ là nhân viên văn phòng, công chức Nhà nước đến những người dân thường, người cao tuổi. Không chỉ tuyến buýt 36 Yên Phụ - Khu đô thị Linh Đàm, ở nhiều tuyến buýt khác, số lượng hành khách cũng đã tăng dần lên. 

Mặc dù nhiều chiếc xe buýt đã cũ, khi rung lắc phát ra những tiếng “ken két” nhưng hành khách lên xe buýt khá trật tự, thi thoảng chiếc loa trên xe nhắc nhở lái xe đón khách đúng điểm đón và hành khách lên xuống xe đúng cửa, đúng điểm dừng đón trả khách. 

Với những đặc điểm ưu việt của mình, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động một thời gian đã phát huy hiệu quả cao. Hầu hết hành khách đều hài lòng khi đi phương tiện này và mong muốn thành phố có thêm nhiều tuyến đường sắt trên cao nữa để kết nối liên thông với mạng lưới vận tải hành khách công cộng. 

Bác Nguyễn Quốc Huy (quận Hoàng Mai) thường xuyên đi tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chia sẻ, đây là loại hình vận tải hành khách công cộng rất hiện đại, sạch sẽ, văn minh, đặc biệt tiết kiệm được nhiều thời gian cho hành khách do có đường riêng, không phải chịu cảnh tắc đường.

Tuy nhiên, việc kết nối liên thông tuyến đường sắt đô thị với các tuyến buýt còn hạn chế và thành phố mới có duy nhất 1 tuyến đường sắt đô thị hoạt động nên chưa phát huy hết hiệu quả của tuyến đường sắt trên cao trong việc giải quyết ùn tắc giao thông.

Tại Hà Nội, loại hình xe buýt vẫn đang đóng vai trò vận chuyển chủ đạo với 154 tuyến buýt, trong đó có hơn 120 tuyến buýt trợ giá (trong đó bao gồm cả tuyến buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã - Hà Đông), năng lực đáp ứng được 19% nhu cầu của người dân (so với mục tiêu của quy hoạch là 30 đến 35% nhu cầu) và 1 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A), dự kiến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao (8,5 km) của tuyến đường sắt đô thị số 3 và theo Quy hoạch Giao thông Vận tải đã được duyệt thì sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 Km. 

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, 9 tháng năm 2023, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt của Hà Nội vận chuyển hơn 417,2 triệu lượt khách (đạt 96,4% so với kế hoạch, tăng 56,8% so với cùng kỳ). 

Theo đó, đối với xe buýt, tổng lượt xe thực hiện ước đạt 5.451.201 lượt; tổng hành khách vận chuyển ước đạt 410 triệu (đạt 94,7% so với kế hoạch và tăng 57,1% so với thực hiện cùng kỳ 2022). Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 410,2 tỷ đồng. 

Riêng tuyến buýt nhanh BRT vận chuyển khoảng 3,4 triệu lượt khách. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách trong 9 tháng với tổng doanh thu ước đạt 55,1 tỷ đồng.

Đánh giá về hoạt động vận tải khách công cộng ở Thủ đô, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể; tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã giảm đáng kể so với trước. 

Hệ thống xe buýt Thủ đô được tăng cường về số lượng, chất lượng. Các xe cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế và bổ sung bằng các phương tiện có chất lượng, trên 90% số phương tiện có tuổi dưới 10 năm. Nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp cũng được duy tu sửa chữa và bổ sung nhằm phục vụ hành khách tốt hơn.

Để tiếp tục thu hút hành khách đi xe buýt, theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian tới, mạng lưới xe buýt cần tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới tuyến để tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo kết nối giữa các loại hình giao thông trong đô thị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục