Hà Nội xây dựng 2 tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long”

19:40' - 26/12/2023
BNEWS Ngày 26 và 27/12, Sở Du lịch Hà Nội khảo sát xây dựng 2 tuyến du lịch “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long” nhằm nâng cao chất lượng du lịch, điểm du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề.

Hai tuyến du lịch gồm: Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức. Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên sẽ gồm nhiều điểm đến, trong đó điểm nhấn là làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên). Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp.

 

Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, du khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc. Làng Phúc Am là làng nghề hàng mã nổi tiếng, chỉ đến cổng làng là du khách có thể cảm nhận được không khí Tết đang đến gần, cả thôn làng luôn tấp nập, sôi động. Còn làng Cựu là làng cổ danh tiếng với hàng chục ngôi nhà cổ có kiến trúc châu Âu giữa làng quê mộc mạc, thanh bình.

Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức sẽ tập trung vào các điểm di sản và làng nghề. Trong đó có đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức). Ở tuyến này, du khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Điều độc đáo ở ngôi đình là bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động giang. Bức phù điêu đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu hiện là điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Còn tại làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức, du khách được trải nghiệm từ việc hái dâu, cho tằm ăn, kéo sợi và trải nghiệm làm tơ sen.

Đây là hai tuyến du lịch có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái, di sản, làng nghề, làng cổ. Dù tại các điểm đến này đã bước đầu được khách du lịch biết tới, nhưng việc tổ chức hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, dịch vụ chưa đồng bộ, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu... Bởi vậy, tiềm năng du lịch chưa được khai thác tốt, còn nhiều hạn chế trong việc thu hút khách.

Ông Phan Huy Cường, Trưởng Phòng Quy hoạch, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa, đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề.

Sau chuyến khảo sát, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, tuyến du lịch này được Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát nhằm làm cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục hình thành thêm nhiều tour, tuyến du lịch khác, kết nối các địa phương, trên cơ sở kết nối các điểm du lịch, điểm tham quan, điểm cung cấp dịch vụ du lịch, tuyến đường vận chuyển du khách.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, để xây dựng thành tuyến du lịch mang tính chuyên nghiệp, địa phương cần đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng du lịch, từ đường giao thông, bến bãi đỗ xe, tổ chức các khu vực bán hàng lưu niệm, các sản vật địa phương, tập huấn kỹ năng giao tiếp cho nhân dân...

Đại diện các địa phương ghi nhận ý kiến đóng góp, mong muốn có sự hợp tác phát triển du lịch với Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn thiện sản phẩm, đưa đón khách. Các tuyến du lịch này sẽ sớm hoàn chỉnh để đưa vào hoạt động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục