Hà Nội xây dựng các kịch bản ứng phó với ngập úng trước mùa mưa bão

18:13' - 15/05/2023
BNEWS Những năm qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác quản lý, đầu tư nguồn lực để cải tạo và nâng cấp hệ thống cống, mương cũng như hiện đại hóa nhiều thiết bị thoát nước.

Nhờ vậy, việc thoát nước đường phố được cải tiến rõ rệt, dần hạn chế tình trạng ngập úng kéo dài. Tuy nhiên từ thực tế nhiều trận mưa lớn vừa qua có thể thấy, nhiều điểm trên đường phố Hà Nội lại rơi vào tình trạng ngập nghiêm trọng.

 

Lý giải về vấn đề này, theo Sở Xây dựng Hà Nội có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan như nhiều trận mưa lớn trái quy luật, lượng nước vượt xa so với công suất thiết kế dẫn tới ngập sâu..., song với hệ thống thoát nước hiện có tình trạng ngập không kéo dài quá lâu.

Mưa là ngập...

Chỉ sau cơn mưa kéo dài khoảng 1 giờ, với lượng mưa đo được lớn nhất là 50mm đã khiến một số tuyến phố trung tâm phố Hà Nội bị ngập nặng như: ngã tư Phan Bội Châu giao với Lý Thường Kiệt, phố Đặng Thái Thân, phố Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, đường Nguyễn Khoái, Quang Trung, Trần Quốc Toản…

Thông tin về tình hình úng ngập trên địa bàn khi có mưa lớn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, với các trận mưa có lượng nước 50-70mm/giờ, dự kiến trên địa bàn thành phố có nhiều khu vực, điểm ngập úng ngập như: phố Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp...

Còn với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm 19 điểm, khu vực úng ngập cục bộ gồm: các phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng, Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh)...

Trước việc có một số điểm ngập úng lớn, Sở Xây dựng Hà Nội lý giải nguyên nhân do một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch; các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang triển khai có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước... Một nguyên nhân khác là ý thức của một bộ phân người dân, cơ sở kinh doanh chưa tốt vẫn xả rác, xả chất cặn bã hóa học như dầu luyn, mỡ ra hệ thống thoát nước, không qua xử lý, vô hình trung tạo một lớp cặn, màng tại cửa cống, hố ga khiến việc tiêu thoát nước kém, dẫn đến ngập úng khi mưa lớn.

Sở Xây dựng cũng cho biết, trên địa bàn thành phố có 9 gói thầu thoát nước, trong đó có gói giao cho tư nhân thực hiện song việc phối hợp giữa các đơn vị thoát nước, chính quyền địa phương trong giải quyết úng ngập khi mưa, đôi khi chưa kịp thời, nhất là tại khu vực Tây và Tây Nam Hà Nội.

Xây dựng kế hoạch ứng phó

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023 diễn biến thời tiết tại địa bàn Hà Nội rất phức tạp, có thể xảy ra những trận mưa lớn, thời gian dài. Với năng lực thoát nước của thành phố hiện nay, những trận mưa có cường độ lớn đến 100mm/giờ trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Nếu lượng mưa lớn, trên đường phố xuất hiện 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng thấp.

Từ thực tế trên, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch ứng phó với tình hình mưa ngập trên địa bàn trong năm 2023.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh giải pháp chung cho cả thành phố, Sở đã xây dựng “kịch bản” tiêu úng cho từng khu vực trên địa bàn theo lưu vực của từng con sông chảy qua. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nêu dẫn chứng, đối với khu vực phía Tây như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, khi có mưa lớn, Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá dỡ đập quây đưa nước về Trạm bơm Yên Nghĩa. Ngoài ra, hai Sở phối hợp vận hành hợp lý hệ thống thoát nước để thực hiện điều tiết mực nước trên hệ thống giữa nội thành và ngoại thành.

Là đơn vị nòng cốt trong việc chống úng ngập trên địa bàn thành phố, những ngày này, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội đang tập trung nạo vét các cống ngang, cống dọc, mương thoát nước tại khu vực trọng điểm của úng ngập. Ông Phan Hoài Minh, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, dù đời sống còn khó khăn nhưng với quyết tâm “khơi dòng trong xanh”, hơn 2.000 cán bộ, công nhân của đơn vị đang ngày đêm duy tu, duy trì, vận hành hệ thống thoát nước của thành phố. Trên tinh thần này, Công ty triển khai bài bản công tác nạo vét đồng bộ từ ga thu, cống ngang, cống ngầm tại tuyến nhánh đến các trục tiêu chính. Trong đó, Công ty tăng cường ứng dụng công nghệ trong nạo vét cống lớn, chính; sử dụng camera kiểm tra lòng cống khu vực trọng điểm có khả năng gây ngập để phát hiện, xử lý tồn tại, bất cập trên hệ thống.

Cung cấp bản đồ ngập lụt tới người dân

Nhấn mạnh về phương án “thoát nước thông minh” mà Công ty đang ứng dụng, ông Phan Hoài Minh cho biết, nhờ có “mắt thần” cảm biến được gắn ở nhiều khu vực từ đó kết nối truyền dữ liệu về trung tâm, cho ra bản đồ ngập lụt để người dân Thủ đô biết được với đầy đủ thông tin vị trí điểm ngập, hình ảnh điểm ngập, mức độ ngập… Qua đó lựa chọn phương án di chuyển, sinh hoạt hợp lý.

Các “kịch bản” được Sở Xây dựng và các ngành, địa phương liên quan của thành phố xây dựng chi tiết, rõ ràng kèm nhiều giải pháp trước mắt, lâu dài. Nhưng thực tế cho thấy, người dân Thủ đô vẫn lo lắng mỗi khi nghe thông tin dự báo thời tiết về việc Hà Nội sắp xảy ra mưa lớn. Vì các cơn mưa có thể làm ngập những con đường, góc phố, nhấn chìm tài sản, thiết bị của xã hội và người dân, gây ra hậu quả nặng nề.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục