Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi quy mô lớn

08:38' - 18/10/2023
BNEWS Hà Nội sẽ tập trung xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.
Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm thịt gia súc, gia cầm các loại phục vụ cho dịp lễ Tết cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung hướng dẫn cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh việc tái đàn, áp dụng biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, thành phố đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; trong đó, có 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật. Việc hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm khắc phục được tình trạng "được mùa, mất giá", nâng cao giá bán trên thị trường...

 
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tham mưu để thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín.

Cùng đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Hơn nữa, thành phố sẽ chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật, bảo đảm quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đưa ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển bền vững.

Đặc biệt, các vùng, trang trại, hộ sản xuất chăn nuôi cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo kế hoạch của UBND thành phố; chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, bệnh dại động vật.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tập trung khoanh vùng, dập dịch ngay khi có dấu hiệu của dịch bệnh, bảo đảm khống chế nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng; tăng cường quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, các địa phương cần xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh; từng bước triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng thành vùng an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, các địa phương cùng đơn vị chức năng, chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần phối hợp quản lý tốt vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục