Hạ tầng giao thông 2021-2025: Mời các doanh nghiệp lớn tham gia thảo luận làm cao tốc

14:37' - 14/03/2022
BNEWS Việc mời các doanh nghiệp lớn tham gia thảo luận làm cao tốc là một bước đi thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành giao thông để hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư xây hạ tầng giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải vừa phát hành giấy mời họp với thành phần gồm các doanh nghiệp lớn như SunGroup, VinGroup, Himlam, Đèo Cả, Trường Sơn, Thành An, 36, Lũng Lô, 319, Tổng công ty xây dựng công trình hàng không-ACC bàn về kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025.

Đánh giá về động thái này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đó là một bước đi thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành giao thông để hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư xây hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay.

"Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt và thực chất. Nhu cầu cần thiết đã trở thành yêu cầu cấp bách. Và Chính phủ đang hành động theo tinh thần đó. Chúng ta thấy Bộ Giao thông Vận tải mời các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh như VinGroup, SunGroup, Him Lam, đồng thời cần đến sự xung kích "người lính" của các doanh nghiệp quân đội (Thành An, 36, Trường Sơn) và không thể thiếu những doanh nghiệp có năng lực chuyên nghiệp và vai trò tiên phong trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua như Đèo Cả. Nếu sự hợp sức các doanh nghiệp trên được thông qua thì sẽ mở ra một lộ trình và hướng đi mới nhằm hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025 mà Chính phủ đề ra", ông Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng bổ sung thêm: "Cần phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh thực chất, kể cả khi sử dụng phương thức chỉ định thầu để đáp ứng các yêu cầu gay gắt về tiến độ, thời gian và chất lượng công trình. Các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện chỉ định thầu phải được thiết kế nghiêm túc, nghiêm khắc, chặt chẽ và mang tính hệ thống; đồng thời, công tác giám sát, đánh giá phải được bảo đảm bằng trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, và đây có thể là một trong những điểm mấu chốt chiến lược để thay đổi hệ thống thể chế: áp dụng ngay chế độ "thưởng cho người thắng", thay cho nguyên tắc "chọn sẵn người thắng" để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đường cao tốc. Đây là một cơ hội tuyệt vời để xoay chuyển căn bản cơ chế phân bổ nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có thực lực bứt phá, vươn lên".

Về việc chọn lựa nhà thầu có tâm và tầm để thực hiện cao tốc Bắc - Nam, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần đánh giá năng lực chủ đạo của các doanh nghiệp tham gia dự án giao thông đường bộ khác với các loại hình công trình khác như lĩnh vực dân dụng hay đê điều. Theo Luật Đấu thầu thì "Chỉ định thầu" là một hình thức để đẩy nhanh tiến độ của gói thầu/dự án và giảm bớt thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu cụ thể của chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành.

"Chúng ta cần xem xét điều chỉnh các Nghị định, Thông tư quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu trong hồ sơ mời thầu đảm bảo phù hợp với thực tiễn và khả năng đáp ứng của những doanh nghiệp giao thông Việt Nam. Trong thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông có quy mô trên 10.000 tỷ đồng có công nghệ mới, từ cao tốc đến hầm xuyên núi hay cầu vượt biển. Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta đã trực tiếp đầu tư và tổ chức thi công đều đảm bảo kỹ thuật, vượt tiến độ, chất lượng và mỹ thuật. Vì vậy, chúng ta cần phải lựa chọn các doanh nghiệp đã thực hiện và có kết quả sản phẩm cụ thể và cần loại bỏ các nhà thầu yếu kém hoặc từng liên quan đến các sai phạm về chất lượng tại các dự án dính đến vụ án các hình sự, đồng thời cần có quy định cho những hướng đi mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt lớn mạnh vươn tầm quốc tế", ông Nhưỡng chia sẻ.

Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, khởi công các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 trước ngày 31/12/2022. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Trong một diễn biến liên quan, để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, ngày 13/3, tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Tại hội nghị, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị các địa phương phối hợp với các Ban quản lý dự án khẩn trương xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng và kế hoạch vốn phục vụ giải phóng mặt bằng; chủ động, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư và thực hiện ngay các gói thầu này; đồng thời, rà soát quy hoạch tái định cư và triển khai các thủ tục xây dựng các khu tái định cư.

Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương theo từng giai đoạn, tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Nghị quyết 18/NQ-CP cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu để đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã tổ chức lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, có nội dung lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng bàn giao cho địa phương (theo 3 giai đoạn) để triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm mục tiêu hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, khởi công dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, khởi công các dự án trước ngày 31/12/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục