Hạ tầng hoàn thiện thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long

12:49' - 30/08/2023
BNEWS Một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút nguồn vốn đầu tư ấn tượng trong thời gian qua đến lĩnh vực công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long là loạt dự án hạ tầng quan trọng.

Đây là nhận định của các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam về bức tranh các khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua.

Theo Savills Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp đã tìm đến Đồng bằng sông Cửu Long như một điểm đến đầu tư mới và nhiều tiềm năng để đầu tư những dự án quy mô lớn. Tiêu biểu là dự án trọng điểm Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ với quy mô 293,7 ha do Công ty VSIP làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 3.717,9 tỷ đồng. Để hỗ trợ dự án này, thành phố triển khai 2 tuyến đường dẫn vào khu công nghiệp gồm tuyến đường nối từ Quốc lộ 80 vào Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, tuyến đường nối từ đường dẫn cầu Vàm Cống vào Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh với tổng mức đầu tư hơn 384 tỷ đồng.

Công ty SLP Việt Nam cũng có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng logistics, hậu cần của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tháng 10/2022, công ty đã khởi công dự án nhà kho quy mô 29.000 m2 với tên gọi SLP Park Bình Minh tại tỉnh Vĩnh Long. Doanh nghiệp này tin rằng dự án nhà kho hậu cần hiện đại sẽ rất cần thiết trong việc giảm bớt áp lực từ hệ thống hậu cần quá tải của Tp.Hồ Chí Minh. Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ cải thiện hiệu quả thương mại và giao hàng tốt hơn.

Cùng đó, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch khởi công giai đoạn 1 của dự án Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long. Dự án có quy mô 400 ha tại huyện Bình Tân, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 255 ha và giai đoạn 2 diện tích 145 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.600 tỷ đồng.

 

Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam đánh giá, các dự án đầu tư này đều cho thấy sự cam kết lâu dài trong tầm nhìn phát triển kinh doanh, cải thiện chất lượng hệ thống logistics và bất động sản tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây sẽ là nguồn cung mới bổ trợ cho tình trạng khan hiếm tại Tp. Hồ Chí Minh. Thời gian tới, có nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục chọn khu vực này là điểm đến, đặc biệt là trong các ngành thực phẩm, đồ uống, chế biến sản phẩm nông sản thô.

Để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, chuyên gia Savills khuyến nghị các địa phương cần hoàn thiện cơ chế, đưa ra nhiều chính sách như cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý ổn định và xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, sớm thực hiện hóa tối đa cam kết đầu tư tại địa phương

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu ở khu công nghiệp phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Để đạt được điều này, việc hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ là một trong những mục tiêu được Nghị quyết đề ra.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe; trong đó, có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 6/2023, tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 188 km, là một phần của đường cao tốc Bắc - Nam đã được khởi công với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, sẽ cơ bản hoàn thành một số tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.

Ngoài ra, một trong những điểm mạnh của khu vực này là giao thông đường thủy. Nếu được tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy, các cụm cảng để kết nối với hệ thống cảng quốc gia sẽ là điểm mạnh giúp tăng cường lợi thế về logistics, sản xuất và vận tải biển, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư - ông John Campbell nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục