Hà Tĩnh bàn giao hơn 98% mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam

11:40' - 30/10/2023
BNEWS Dự án cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Hà Tĩnh đến nay đã bàn giao hơn 98% diện tích mặt bằng thực hiện dự án.
Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án, Hà Tĩnh huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời, giải quyết thấu đáo các kiến nghị, khiếu nại của người dân liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

 
Huyện Cẩm Xuyên có 2.318 hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; trong đó, có 340 hộ ảnh hưởng đất ở; 1.560 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp; số còn lại là có tài sản bị ảnh hưởng phải di dời, giải phóng mặt bằng; có 352 ngôi mộ, 4 nhà thờ họ phải di dời; toàn huyện phải xây dựng 8 khu tái định cư để bố trí cho gần 150 hộ dân phải tái định cư.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho biết, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn có tổng chiều dài là 30,5 km; trong đó, tuyến chính dài 27,03 km, đi qua địa bàn 8 xã (Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc, Cẩm Minh) và đường kết nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Cẩm Quan và thị trấn Cẩm Xuyên có chiều dài 3,2 km.

Chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn Cẩm Xuyên chiếm gần 30% tổng chiều dài toàn tuyến trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh nên khối lượng, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng khá nặng nề. Cùng với khó khăn về nhân lực, quản lý, số hóa đất đai chưa được thực hiện đồng bộ cũng gây khó cho việc tiếp cận hồ sơ, hiện trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho biết, để hóa giải khó khăn, Ban Chỉ đạo Dự án đường cao tốc Bắc – Nam huyện Cẩm Xuyên do Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban đã ban hành kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, chi tiết. Cả hệ thống chính trị nhập cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về mục tiêu đầu tư dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ. Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ khó, nhất là việc cùng chịu trách nhiệm với hội đồng giải phóng mặt bằng về những nội dung khó, chưa có tiền lệ thực hiện.

Là một trong những hộ dân đầu tiên nhận đất xây nhà mới ở khu tái định cư thôn Thống Nhất, ông Bùi Văn Anh (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ, sau nhiều lần được cán bộ tuyên truyền, giải thích, việc di dời đến khu tái định cư được các hộ dân đồng thuận cao. Nơi ở mới có vị trí, hạ tầng thuận lợi, đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân.

Không riêng huyện Cẩm Xuyên, quá trình giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Bắc – Nam đã được các địa phương ở Hà Tĩnh thực hiện quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng và 3 tuyến đường kết nối dài 12,18 km.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,5%, bàn giao mặt bằng đạt 98,2%; một số địa phương đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng là huyện Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo số liệu thống kê đến giữa tháng 10/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tiến độ bàn giao mặt bằng ở một số địa phương vẫn còn chậm so với mức chung của tỉnh. Trên địa bàn vẫn còn hơn 250 hộ tái định cư chưa di dời, các địa phương mới hoàn thành 8/30 khu tái định cư, còn 22/30 khu tái định cư đang thi công dở dang. Tiến độ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lưới điện còn chậm. Cá biệt, chưa có địa phương nào hoàn thành thẩm định hồ sơ di dời đường điện 220 kV và 500 kV tại Bộ Công Thương.

Theo đánh giá, ngoài nguyên nhân khách quan như: thủ tục thẩm định hồ sơ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật lưới điện, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, tổ chức tận thu rừng, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất phải qua nhiều bước, cần ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành; quỹ đất để trồng rừng thay thế của toàn tỉnh không đủ… thì nguyên nhân chủ quan do một số địa phương, đơn vị vẫn còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện.

Thời gian tới, Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể, gắn trách nhiệm các sở, ban, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bẳng Dự án đường cao tốc Bắc – Nam.

Cùng đó, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về mục tiêu đầu tư dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án.

Tỉnh cũng tổ chức đối thoại, vận động, giải thích, kịp thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án theo đúng quy định; không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng việc triển khai dự án để xúi dục, lôi kéo, gây mất ổn định tình hình trên địa bàn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục