Hà Văn Thắm kháng cáo đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội danh

14:16' - 18/10/2017
BNEWS Ngày 18/10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết vừa nhận thêm đơn kháng cáo của 10 bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) cùng các đồng phạm.

Trong đó, có đơn kháng cáo của bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank), Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam)… Như vậy, đến nay đã có 28 trên tổng số 51 bị cáo trong vụ án này làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Trong số 10 đơn kháng cáo mới bổ sung, ngoài Thắm, Thu, Danh, 7 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Văn Đức (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Thanh Hóa), Nguyễn Viết Hiền (nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Âu Cơ), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi), Đỗ Quốc Trình (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng giai đoạn 6/2013 – 10/2016), Nguyễn Hồng Quân (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Cà Mau), Nguyễn Lưu Nam (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Quy Nhơn), Nguyễn Quốc Trưởng (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Cần Thơ).

Hà Văn Thắm cho rằng bị cáo không tham ô tiền của chính mình

Theo thẩm phán Trần Nam Hà (chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm), trong đơn kháng cáo, Hà Văn Thắm đã đề nghị Tòa án Cấp cao xem xét lại một phần bản án hình sự và dân sự mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên.

Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử đọc bản tuyên án. Ảnh: Kim Anh - Nguyễn Cúc/TTXVN

Cụ thể, Hà Văn Thắm thừa nhận và xin chấp hành bản án mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Thắm lĩnh án 19 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tuy nhiên, Hà Văn Thắm cũng đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự với Thắm về tội “Tham ô tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Thắm cho rằng mình không đồng phạm giúp sức cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong hành vi tham ô và cũng không chiếm đoạt tiền của OceanBank là tiền của chính bị cáo.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Thắm viết: “Tôi không biết, không bàn bạc và không bao giờ đồng ý để ông Sơn chiếm đoạt và tham ô số tiền mà OceanBank thông qua ông Sơn chuyển cho khách hàng gửi tiền là Tập đoàn Dầu khí (PVN). Hồ sơ vụ án cũng thể hiện rõ tôi chỉ biết số tiền đưa cho PVN thông qua ông Sơn là chi chăm sóc cho PVN, không chi cho bất cứ cá nhân nào. Bởi vậy tôi không thể đồng phạm với ông Sơn”.

Thắm viện dẫn: Cáo trạng đã thể hiện rõ tôi sở hữu 62,9% cổ phần OceanBank, như vậy tôi không thể giúp sức ông Sơn chiếm đoạt, tham ô tài sản là tiền của chính tôi. Việc ông Sơn tham ô, chiếm đoạt (nếu có) là hành vi phát sinh thêm, có hại cho tôi.

Từ những phân tích này, bị cáo Thắm đề nghị Tòa án Cấp cao xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự với Thắm về 2 tội danh nêu trên.

Trong trường hợp Tòa án Cấp cao thấy đủ căn cứ kết tội bị cáo Thắm về 2 tội danh này, bị cáo Thắm cũng đề nghị Tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với vai trò đồng phạm, giúp sức trong tội “Tham ô tài sản”.

Cụ thể, Thắm cho rằng bị cáo không được hưởng lợi, mà thực tế là bị thiệt hại với hành vi tham ô của bị cáo Sơn (nếu có). Hành vi chi tiền vượt trần lãi suất của bị cáo được thực hiện trong hoàn cảnh bắt buộc của thị trường tài chính không ổn định trong các năm qua.

Đồng thời, trong suốt giai đoạn điều tra và xét xử, bị cáo luôn có thái độ khai báo thành khẩn, mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Về phần dân sự, bị cáo Thắm xin được xem xét lại khoản tiền hơn 800 tỷ đồng mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Thắm phải bồi thường số tiền bị coi là thất thoát cho OceanBank.

Bị cáo Thắm cho rằng tội của bị cáo là cố ý làm trái gây hậu quả phi vật chất (cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước) và làm lợi cho OceanBank là ngân hàng do Thắm làm chủ.

“Việc tôi ra chủ trương chi lãi suất vượt trần là để làm lợi cho OceanBank và cứu thanh khoản cho OceanBank (đây chính là động cơ mà tôi buộc phải làm trái quy định của NHNN). Hiện nay số cổ phần của tôi (63%) đã bị mua áp đặt bằng 0. Có nghĩa là tôi đã bị mất 2.500 tỷ đồng.

Nếu tôi lại bị tuyên phạt phải đền thêm cho OceanBank hơn 800 tỷ là quá bất công với tôi. Xin quý tòa xem xét lại” – Bị cáo Thắm viết trong đơn kháng cáo.

Hầu hết các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt

Thẩm phán Trần Nam Hà cũng cho biết: Hầu hết các bị cáo nộp đơn kháng cáo bổ sung lần này đã đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, được hưởng các mức án thấp hơn bản án sơ thẩm về cả hình sự và dân sự.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Cụ thể, Thu xin xem xét lại tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” vì cho rằng bị cáo không có mục đích, động cơ và hành vi thực hiện giúp sức cho Hà Văn Thắm chiếm đoạt tài sản, không được hưởng lợi cá nhân.

Thu cũng xin xem xét giảm nhẹ mức án phạt 22 năm tù đối với cả 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Đồng thời, bị cáo Thu còn đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét miễn, giảm trách nhiệm dân sự, do bị cáo là người làm công hưởng lương, thực hiện theo chỉ đạo và hoàn toàn không tư lợi cá nhân.

Đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Công Danh đã phân tích toàn bộ việc vay và cho vay khoản tiền 500 tỷ đồng tại OceanBank và Công ty Trung Dung là do bị cáo Hứa Thị Phấn và Hà Văn Thắm trao đổi, bàn bạc.

Danh khẳng định bị cáo không tham gia và không chỉ đạo bất kỳ nội dung gì dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, Danh cũng cho rằng việc Tòa cấp sơ thẩm quyết định bị cáo Hứa Thị Phấn trả lại 500 tỷ đồng cho OceanBank là hoàn toàn đúng, bị cáo Danh không khiếu nại việc này.

Trong bản án sơ thẩm ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, bị cáo Phạm Công Danh bị phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; tổng hợp với hình phạt 30 năm tù theo Quyết định của Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, buộc bị cáo Phạm Công Danh phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án là 30 năm tù.

Ngoài ra, bị cáo Phạm Công Danh còn bị cấm làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục