Hai anh em trong một gia đình tử vong vì bệnh Whitmore

17:18' - 18/11/2019
BNEWS Đây là sự việc đau lòng xảy ra với 2 bé trai 2 và 5 tuổi tại Sóc Sơn, Hà Nội khi cả hai cháu đều được xác định bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore và đã tử vong.

Liên quan sự việc đau lòng xảy ra với vợ chồng anh T.V.C và chị  T.T.N.Q, trú tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội khi trong vòng nửa tháng, 2 con nhỏ của anh chị là 2 cháu trai 2 và 5 tuổi của vợ chồng anh C. lần lượt ra đi với kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh whitmore, chiều 18/11, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hai cháu bé đến từ Sóc Sơn, cả hai cháu đều được xác định bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore và đã tử vong.

Ngày 27/10, con trai thứ 2 của vợ chồng anh C. là cháu T.C.V., 5 tuổi sốt 38,5 độ kèm theo đau bụng nhưng không điều trị gì tại nhà. Sáng sớm ngày 28/10, gia đình đưa bé V. vào Bệnh viện Nhi Trung ương để khám và điều trị.

Dù được điều trị tích cực, hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể nhưng đến 21h ngày 31/10, bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10, đến ngày 1/11 có kết quả nuôi cấy, xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore.

Ngày 10/11, con trai út của anh chị là bé T.Q.H., 19 tháng tuổi lại sốt 38,5 độ. Ngay ngày hôm sau, gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, khi đến cấp cứu, trẻ vẫn tỉnh táo, sốt, thỉnh thoảng rét run, được chuyển thẳng vào khoa Điều trị tích cực. Sau khi được điều trị kháng sinh, tình trạng trẻ có cải thiện nhưng 3 – 4 ngày sau tái trở lại rồi chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, sốt huyết và tử vong vào ngày 16/11 vừa qua.

Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Ngay sau đó phía Bệnh viện Nhi Trung ương đã báo cáo ca bệnh với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

“Các kết quả kiểm tra hệ miễn dịch, chức năng bạch cầu hạt của bệnh nhi H. đều trong giới hạn bình thường, tức không có bệnh lý bất thường, tuy nhiên các kết quả sâu hơn liên quan đến gene, bệnh viện chưa tiếp cận”, PGS.TS Trần Minh Điển thông tin.

Trước đó vào đầu tháng 4 vừa qua, chị gái của 2 bé V. và H. là cháu T.Q.T., 7 tuổi cũng đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Cháu T. cũng có biểu hiện ban đầu là sốt cao.

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết đang tiếp tục điều tra dịch tễ, thói quen sinh hoạt của gia đình các cháu. Hiện nay, điều tra ban đầu chưa có gì bất thường, đặc biệt. 

Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện, cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh whitmore không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người, tuy là một bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Hiện bệnh đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh...

Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp, thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp-xe cơ, bệnh hệ thống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.

Hiện, bệnh whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiện phòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn.

Khi cơ thể xuất hiện các vết thương ngoài da, có dấu hiệu nhiễm trùng, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./. 

>> Cách phòng tránh vi khuẩn Whitmore

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục