Hai kịch bản tăng trưởng tạo động lực cho năm 2023

17:48' - 04/07/2022
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5%.

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%) nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1: mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III/2022 cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), quý IV/2022 tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).

 

Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý III/2022 phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV/2022, tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Kinh tế có bước phục hồi tích cực, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế trong nước đã có bước phục hồi. Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong quý II/2022 cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu, hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do các nguyên nhân: tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tăng trưởng, lạm phát, giá dầu, ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.

Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức, nhất là giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao, tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sau hơn 5 tháng triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra; ban hành gần như đầy đủ các văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi nhiều chính sách mới nhưng đã được đánh giá tác động đầy đủ và trình ban hành theo đúng quy định thời gian ngắn.

Một số nội dung có tính chất phức tạp, liên quan đến việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình của nhiều bộ, cơ quan, địa phương đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Cùng với đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48 nghìn tỷ đồng, trong đó các chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đạt 8.888 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng; miễn giảm thuế VAT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện cho vay tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP là 57,37 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện đã nhanh chóng được điều chỉnh để tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện.

Về danh mục dự án đầu tư công sử dụng vốn Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 thông báo danh mục và mức vốn cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, đến nay còn 11 dự án của 8 bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án và 26.799 tỷ đồng chưa đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, quy định tại Điều 16, 52 Luật Đầu tư công, khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án, thủ tục đầu tư nhiệm vụ, dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định…

"Thách thức, rủi ro còn lớn, các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan, cần theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới và trong nước, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả doanh nghiệp và người dân sản xuất,  kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

>>>Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 cao hơn Quốc hội giao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục