Hải Phòng dành nhiều chính sách ưu tiên cho người lao động tại khu công nghiệp

14:16' - 06/08/2024
BNEWS Hiện, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đang rà soát nhu cầu của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp về tiếp cận nhà ở xã hội.

Hải Phòng có nhiều chính sách ưu tiên dành cho người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh như: Hỗ trợ phụ nữ di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi tại các nhóm trẻ độc lập tư thục, hỗ trợ tiền đào tạo một số nhóm nghề chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hiện, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đang rà soát nhu cầu của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp về tiếp cận nhà ở xã hội.

Tăng cơ hội học tập

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng, thành phố là 1 trong những địa phương triển khai Đề án 404 “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất” được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014 và triển khai đến năm 2020. Sau khi Đề án này kết thúc (giai đoạn 1), Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo và dành nguồn lực để các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai đến năm 2025 (giai đoạn 2). Hiện, Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước triển khai Đề án này.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đến tháng 5/2024, địa phương có 87/310 trường mầm non ngoài công lập (chiếm 28,06% tổng số trường mầm non của toàn thành phố) và 295 cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục. Số trẻ mầm non đi học tại các cơ sở tư thục chiếm 33,16% tổng số trẻ mầm non được huy động đến trường.

Năm học 2023 - 2024, thành phố đã có 100/295 nhóm lớp độc lập tư thục (tăng 30% so với giai đoạn 2015 - 2020) và 477 giáo viên mầm non tham gia Đề án 404. Các cơ sở nuôi dạy 4.155 trẻ, trong đó có 1.606 trẻ là con công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Hằng năm, các nhóm trẻ tham gia Đề án được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước lên tới 2,4 tỷ đồng. Chủ các nhóm lớp thường xuyên bổ sung về cơ sở vật chất, đội ngũ và thực hiện chương trình giáo dục mầm non để đảm bảo các tiêu chí của Đề án.

Bà Nguyễn Thị Mây (giáo viên mầm non về hưu, chủ nhóm trẻ độc lập tư thục Mầm non Phương Vy, huyện Vĩnh Bảo) cho biết, nhóm trẻ chủ yếu hỗ trợ con em người lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Tân Liên, Vĩnh Bảo. Việc tiếp tục triển khai Đề án 404 mang lại những lợi ích lớn như: Các nhóm trẻ tư thục được đầu tư cơ sở vật chất, tạo nên môi trường giáo dục không quá chênh lệch so với các trường công lập; giáo viên tham gia tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ; phụ huynh yên tâm gửi con, giảm bớt áp lực phải đưa đón đúng giờ hành chính.

 

Mới đây, tại Hội thảo đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều lao động nữ, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, những kinh nghiệm từ Hải Phòng sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành phố khác ban hành chính sách, dành nguồn lực chăm lo cho con em người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Liên quan đến hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động ngoại tỉnh, ngày 9/12/2019, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng có Nghị quyết số 54/2019/NQ-HĐND về Chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học Mầm non đến Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Hải Phòng là thành phố đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết về nội dung này. Nghị quyết triển khai từ năm học 2020 - 2021 đến nay. Tất cả học sinh trên địa bàn không phân biệt là người có hộ khẩu tại thành phố hay đến từ địa phương khác đều được hỗ trợ 100% học phí. Mỗi năm học, khoảng 500.000 học sinh hưởng lợi từ chính sách này.

Phục vụ đắc lực nhu cầu học tập, đào tạo

Kỳ họp lần thứ 18 Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng diễn ra vào trung tuần tháng 7/2024 đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2030. Đây là động lực để địa phương phát triển các ngành công nghiệp cũng như thu hút lao động học tập, sinh sống và làm việc.

Theo nghị quyết, thành phố sẽ hỗ trợ lao động, học sinh tham gia đào tạo nghề, giảng viên các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thuộc 9 nhóm nghề gồm: Logistics, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Quản trị khách sạn, Điều dưỡng, Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Các trường hợp trong diện sẽ nhận mức hỗ trợ 900.000 đồng/tháng. Dự kiến mỗi năm, ngân sách thành phố sẽ chi khoảng 76,7 tỷ đồng.

Anh Phạm Văn Chuân (quê Hải Dương, công nhân từng làm việc ở Khu Công nghiệp Nhật Bản, Hải Phòng) cho biết, anh nghỉ việc tại công ty để chuyển sang buôn bán nhỏ lẻ, song do thiếu kỹ năng, không tính toán những khó khăn nên chỉ trong 3 tháng, anh đã lỗ hơn 20 triệu đồng cùng toàn bộ tiền bảo hiểm thất nghiệp. Khi biết có Đề án hỗ trợ chi phí đào tạo nghề của thành phố Hải Phòng, anh đang tìm hiểu và hy vọng sẽ đạt tiêu chí đề án đưa ra để có cơ hội học tập nâng cao kiến thức, tìm được việc làm mới trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của Hải Phòng.

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, nghị quyết về hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cũng như nghị quyết hỗ trợ 100% học phí ban hành trước đó rất nhân văn. Hiện, Ban Quản lý được Ủy ban nhân dân thành phố giao triển khai một số nội dung về nhà ở xã hội. Triển khai tốt, Hải Phòng sẽ thu hút được lực lượng lao động từ các tỉnh, thành phố khác về địa phương làm việc, an cư, lạc nghiệp.

Tại cuộc họp diễn ra cuối tháng 7/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã nghe báo cáo về tình hình triển khai xây dựng và vướng mắc của người dân trong thực hiện thủ tục mua, thuê mua nhà ở xã hội. Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, trên địa bàn thành phố có 31 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô khoảng 36.600 căn. Trong đó, 9 dự án đã khởi công với quy mô khoảng 15.000 căn; 16 dự án lựa chọn xong nhà đầu tư, đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng với khoảng 18.900 căn và 6 dự án có chủ trương đầu tư, đang lựa chọn nhà đầu tư với quy mô khoảng 2.700 căn.

Tại cuộc họp này, đại diện các địa phương, nhà đầu tư đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng, nhất là cơ hội để tiếp cận mua nhà ở xã hội. Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tùng giao các địa phương, đơn vị, trong đó giao Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức đánh giá nhu cầu và đăng ký mua nhà ở xã hội của công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Các địa phương, đơn vị liên quan hoàn thành việc đánh giá sau 1 tháng, tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Hiện, Hải Phòng có 14 khu công nghiệp đang hoạt động; trên 200.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, trong đó 2/3 là lao động ngoại tỉnh. Thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm khoảng 50.000 lao động làm việc tại khu vực này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục