Hải Phòng - Dấu ấn cải cách hành chính và phát triển kinh tế - Bài 2: Giữ vững ngôi đầu

21:59' - 08/05/2025
BNEWS Không phải ngẫu nhiên Hải Phòng giữ vững ngôi đầu ba bảng xếp hạng uy tín - thành công này là kết quả của chiến lược cải cách quyết liệt, đột phá số hóa và hạ tầng hiện đại.

Giữ vững ngôi vị đầu bảng xếp hạng ba chỉ số uy tín - thành công này không đến từ may mắn, mà là kết quả của những chiến lược cải cách bài bản, hướng đến đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu quả công vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

* Bứt tốc để dẫn đầu

Nhìn từ thực tế, các quan khách quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI khi đến Hải Phòng cùng chung nhận định, Hải Phòng đang bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án công nghệ cao, sản xuất hiện đại và logistics tầm cỡ quốc tế. Với vị thế cửa ngõ quan trọng, thành phố không ngừng đầu tư vào hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh số hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Những dự án công nghệ cao đổ về đã giúp Hải Phòng nâng tầm năng lực cạnh tranh, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho sự chuyển đổi mô hình kinh tế. Ngành sản xuất ngày càng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, với hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông liên kết vùng, Hải Phòng đang củng cố vị trí trung tâm logistics, thu hút dòng vốn lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, giúp nền kinh tế thành phố vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

 

Ông Stephen L.Green, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn đầu Đoàn công tác Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đến thăm và làm việc tại thành phố Hải Phòng ngày 7/5 vừa qua, đã bày tỏ ấn tượng trước tiềm năng, vị thế cùng với sự phát triển năng động, sáng tạo của thành phố Hải Phòng, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của chính quyền thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ. Chuyến thăm lần này là dịp để Đoàn khảo sát thực tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại khu vực phía Bắc, trong đó có thành phố Hải Phòng.

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, với 2 Khu kinh tế chiến lược là Đình Vũ - Cát Hải đang hoạt động hiệu quả và Khu kinh tế ven biển phía Nam đang trong giai đoạn hình thành, cùng với đó là mạng lưới 18 Khu công nghiệp hiện hữu trải rộng trên diện tích hơn 7.000 ha, Hải Phòng đã thành công kiến tạo một hệ sinh thái công nghiệp đa dạng, năng động và có sức hút mạnh mẽ. Đây không chỉ là tập hợp các khu vực sản xuất riêng lẻ mà là một thể thống nhất, nơi các yếu tố hạ tầng, dịch vụ và sản xuất được kết nối chặt chẽ, tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

Ông Lê Trung Kiên cho rằng, điểm nhấn đặc biệt tạo nên sức mạnh cạnh tranh vượt trội cho hệ sinh thái công nghiệp Hải Phòng chính là sự liên kết hữu cơ, chặt chẽ giữa Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với các Khu công nghiệp và hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện. Cảng cửa ngõ quốc tế này, với các bến số 1 và 2 đã đi vào khai thác ổn định, chứng minh hiệu quả vượt trội, cùng các bến 3, 4, 5, 6 đang bắt đầu khai thác và các bến tiếp theo trong lộ trình đầu tư, đã trở thành mắt xích logistics quan trọng bậc nhất miền Bắc.

Sự kết nối liền mạch này giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa, tạo thành một lợi thế cạnh tranh không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây. Nhờ thế liên hoàn "Khu kinh tế - Khu công nghiệp - Cảng biển" này, Hải Phòng đã và đang khẳng định vị thế là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển hàng đầu khu vực, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam và Đông Nam Á. 

*Kiến tạo tương lai

Lũy kế đến ngày 31/1/2025, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 1035 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực 33,8 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C do các nhà đầu tư đến từ Vương quốc Bỉ hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khác cùng xây dựng và phát triển. 5 Khu công nghiệp hiện tại đang hoạt động tại Hải Phòng và Quảng Ninh đều có chung mục tiêu trở thành các khu công nghiệp sinh thái, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư thứ cấp và cộng đồng địa phương, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương.

Tầm nhìn của DEEP C là trở thành một hình mẫu tại Việt Nam về phát triển các khu công nghiệp toàn diện. Chiến lược phát triển bền vững và ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) của DEEP C tập trung vào 4 trụ cột chính: Con người, Thiên nhiên, Hiệu quả kinh tế và Hợp tác.

Theo ông Lê Trung Kiên, quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược đã được đề ra tại Nghị quyết 45-NQ/TW và Kết luận 96-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng xác định con đường phát triển trong giai đoạn mới phải dựa vững chắc trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là giải pháp đột phá để Hải Phòng thực hiện thành công vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả vùng và đất nước.

Hải Phòng tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, đây là nền móng pháp lý, là "luật chơi" tạo đà cho sự bứt phá. Cùng đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, đầu tư, cấp phép cho các dự án công nghệ, được đẩy mạnh theo hướng số hóa, đơn giản hóa tối đa. Việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, nhằm xây dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Song song đó, thành phố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đa dạng, linh hoạt hoạt động xúc tiến đầu tư; phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục phát huy lợi thế của một trung tâm logistics với hệ thống giao thông kết nối đa phương thức (đường bộ cao tốc liên vùng, cảng biển nước sâu quốc tế Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn trong tương lai, cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Tiên Lãng sắp tới, mạng lưới đường sắt được quy hoạch hiện đại).

"Tiềm năng của Khu kinh tế ven biển phía Nam càng được nhân lên gấp bội khi được đặt trong một tổng thể phát triển hạ tầng đồng bộ và mang tầm vóc quốc tế. Việc hình thành đồng thời với các siêu dự án như Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, hệ thống Cảng nước sâu Nam Đồ Sơn - cửa ngõ và trung chuyển quốc tế, cùng với ý tưởng tiên phong về việc thành lập một Khu Thương mại tự do với các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, sẽ tạo nên một tổ hợp phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại bậc nhất. Tổ hợp này hứa hẹn tạo ra một lực hấp dẫn đầu tư chưa từng có, đặc biệt nhắm vào các dự án công nghệ cao, các trung tâm R&D, ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics thông minh, và các lĩnh vực kinh tế biển tiên tiến dựa trên nền tảng số và bền vững.", ông Lê Trung Kiên chia sẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục