Hai tập đoàn lớn của Mỹ và Pháp hợp tác phát triển động cơ phản lực thế hệ mới

12:57' - 15/06/2021
BNEWS Ngày 14/6, Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ và Tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Safran của Pháp đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác phát triển các động cơ phản lực thế hệ mới.

Qua đó, hai tập đoàn này hướng tới mục tiêu giúp các hãng hàng không giảm bớt chi phí, cũng như giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.

GE và Safran ra tuyên bố nhấn mạnh liên doanh CFM giữa hai bên sẽ thúc đẩy chương trình "Cuộc cách mạng sáng chế động cơ bền vững" (RISE) nhằm phát triển các động cơ hạn chế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm khoảng 20% lượng khí thải vào giữa những năm 2030. Một công nghệ mới mà họ theo đuổi đó là mở cấu trúc cánh quạt.

Trên thực tế, các cánh quạt này hiện nằm bên trong các động cơ phản lực khép kín. Việc mở chúng giống như một động cơ turbin cánh quạt có thể giúp cải thiện hiệu suất động cơ.    

Phát biểu họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành GE, ông John Slattery, nhấn mạnh: "Khi chúng ta nói về việc giảm 20% khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, điều này đồng nghĩa với nhiên liệu phản lực của ngày hôm nay".

Nếu sử dụng nhiên liệu phản lực bền vững, sẽ giảm được 80% khí CO2 và nếu đó là nhiên liệu hydrogen, có thể giảm được 100% loại khí thải này.

GE và Safran đã hợp tác trong lĩnh vực sản xuất động cơ gần nửa thập kỷ qua. Động cơ LEAP do liên doanh CFM của hai tập đoàn này phát triển hiện được sử dụng cho nhiều máy bay Airbus và Boeing thế hệ mới nhất.

Tuy nhiên, việc ngành hàng không cam kết giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2050 so với năm 2005 đòi hỏi các hãng hàng không cần ứng dụng các công nghệ mới.

Các hãng hàng này đang thử nghiệm nhiên liệu phản lực làm từ các nguồn nhiên liệu có thể tái tạo và Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đang xem xét chế tạo một máy bay vận hành bằng nhiên liệu hydrogen vào năm 2035./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục