Hai tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm

13:12' - 01/03/2019
BNEWS Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2 ước đạt 1,93 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Thông tin thị trường nông sản định kỳ tháng 2. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Sáng 1/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Trung tâm Tin học và Thống kê, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thông tin thị trường nông sản định kỳ tháng 2.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2 ước đạt 1,93 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,71 tỷ USD, giảm 10,1%; thuỷ sản ước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4%; chăn nuôi ước đạt 77 triệu USD, giảm 7%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,8%.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều điểm sáng tối đan xen. Điểm sáng lớn vẫn là thủy sản và các mặt hàng lâm sản với sự tăng trưởng xuất khẩu khá.

Trong tháng 2, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 399.000 tấn với giá trị đạt 169 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm ước đạt 837.000 tấn với 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 đạt 446 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 với 46,7% thị phần.

Sau Tết, các doanh nghiệp chưa chủ động, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Nhiều thị trường lớn chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm gạo đã khiến giá lúa đầu vụ Đông Xuân diễn biến giảm. Hiện giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng so với đầu vụ và đang ổn định ở mức 4.600 đồng/kg đối với lúa IR50404.

“Đây là giá phù hợp với nông dân và trên thị trường”, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, ông Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc rà soát, đánh giá năng lực của 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Bộ đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá năng lực của các doanh nghiệp này.

Ngoài báo cáo của Bộ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu có một báo cáo của đơn vị giám định độc lập. Về phía Bộ, hiện Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành báo cáo này. Báo cáo của đơn vị giám định độc lập cũng đang được đơn vị đó tích cực thực hiện. Hai báo cáo này sẽ được gửi tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước ngày 3/3.

Ông Nguyễn Quốc Toản cũng cho biết thêm, trong quý 1/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có đoàn công tác sang xúc tiến thương mại tại Philippines để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 tại An Giang. Ảnh: Thanh Sang- TTXVN 
Tô thêm màu tối trong bức tranh xuất khẩu nông sản đó là nhiều sản phẩm cây công nghiệp giảm giá, trừ mặt hàng chè. Cao su dù xuất khẩu tăng nhưng giá vẫn tiếp tục giảm. Khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đạt 228.000 tấn với 293 triệu USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu cà phê tháng 2 ước đạt 143.000 tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm đạt 326.000 tấn với 610 triệu USD, giảm 7,5% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Mặt hàng tiêu vẫn duy trì đà giá giảm mạnh. Dù có tăng về khối lượng xuất khẩu nhưng giá trị mang về vẫn giảm khá mạnh. Khối lượng tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 31.000 tấn với 92 triệu USD, tăng 4,3% về khối lượng nhưng giảm 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Nguyễn Trung Kiên nhận định, trên thị trường sản phẩm cây công nghiệp, hiện tượng giảm giá do nguồn cung trên thị trường quốc tế cao. Điển hình cà phê, giá cà phê cao từ những năm 2011 và 2012, nên nhiều nước như Brazil, Colombia đã tái canh đến nay phát huy sản lượng, khiến nguồn cung trên thị trường thế giới tăng, trong khi đó cầu tăng chậm hơn.

Giá tiêu được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm xuống và nhiều khả năng xuống tới mức chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, do nguồn cung hồ tiêu toàn cầu đang tiếp tục được bổ sung khi mà Việt Nam và Ấn Độ là những quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn đang trong mùa thu hoạch mới.

Trên thị trường thế giới, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy giá cao su trên thị trường thế giới, Hiệp hội ba nhà xuất khẩu cao su gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhất trí thông qua kế hoạch cắt giảm sản lượng cao su xuất khẩu. Được biết, lượng cắt giảm trong kế hoạch này có thể lên tới 300.000 tấn. Con số cụ thể sẽ được đưa ra thảo luận giữa 3 nhà xuất khẩu này dự kiến ngày 4/3 tới. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô liên tục tăng gần đây cũng kỳ vọng sẽ là yếu tố tích cực thúc đây nhu cầu thị trường cao su tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, nhiều sản phẩm cây công nghiệp chịu tác động của diễn biến thị trường quốc tế và có tính chu kỳ. Để giữ vững trong xuất khẩu, các sản phẩm này cần tiếp tục duy trì bằng số lượng ổn định, kịp thời; chất lượng nâng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu.

Trong tháng 2, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 1,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 4,59 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục