Hai yếu tố thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp cao su

14:16' - 12/04/2024
BNEWS Theo các chuyên gia phân tích, triển vọng tăng trưởng dành cho các doanh nghiệp ngành cao su vẫn đang rất tích cực trong cả ngắn hạn và trung hạn, động lực sẽ đến từ 2 yếu tố.

Cụ thể, doanh nghiệp cao su thiên nhiên được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá bán và khả năng tăng thị phần xuất khẩu khi các thị trường khác phải đối mặt với sự thiếu hụt cung trong giai đoạn 2024 - 2025.  Đặc biệt, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất trong quy hoạch chuyển đổi còn được hưởng lợi từ việc bồi thường đất hoặc phát triển mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ đạt 14,508 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, thị trường cao su thế giới trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ còn tiếp tục thâm hụt thêm khoảng 0,6 - 0,8 triệu tấn/năm khi sản lượng không theo kịp nhu cầu sử dụng.

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, ngành cao su thiên nhiên Việt Nam bước vào thời điểm chín muồi, cùng đó là câu chuyện chuyển đổi đất giai đoạn 2024 - 2030.

Doanh nghiệp cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng giá bán và khả năng tăng thị phần xuất khẩu khi các thị trường khác phải đối mặt với sự thiếu hụt cung trong giai đoạn 2024 - 2025.

Hãng sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới Michelin cho biết, mức tiêu thụ lốp xe nguyên bản (OEM) trên toàn cầu trong năm 2023 đã quay trở lại như năm 2019, trong khi thị trường lốp thay thế vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Tính riêng tại Trung Quốc - nơi tiêu thụ 40% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, sản lượng lốp xe năm 2023 đã “bùng nổ”, tăng 15,5% so với năm 2022 và sản lượng lốp xe xuất khẩu cũng tăng hơn 11%, lên cao nhất 7 năm qua.

Một số nhà sản xuất lốp xe lớn tại Trung Quốc cho biết, đơn hàng trong năm nay đang ở mức cao và dự kiến sẽ duy trì công suất tối đa. Tương tự, hoạt động sản xuất và xuất khẩu lốp xe của Thái Lan và Ấn Độ trong năm 2023 cũng tăng trưởng tính cực và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay.

Với đà phục hồi từ lĩnh vực tiêu thụ cao su tự nhiên chủ chốt và rủi ro cao trong việc thiếu hụt nguồn cung, PHS hiện dự báo giá cao su SR20 năm nay có thể neo cao và đạt mức giá từ 1,6-1,8 USD/kg bằng với giai đoạn 2021 đến nửa đầu năm 2022, tương ứng mức tăng 10 - 20% so với năm 2023. 

Theo PHS, từ năm 1990, tỷ lệ tiêu thụ cao su thiên nhiên so với tổng lượng cao su tiêu thụ đã liên tục tăng lên từ mức 35%, đang tiến gần tới ngưỡng cân bằng 50% so với tiêu thụ cao su nhân tạo.

Xu hướng này cho thấy rủi ro về việc cao su thiên nhiên bị thay thế bởi cao su nhân tạo đã giảm đi đáng kể. Do đó, giá cao su thiên nhiên giai đoạn này sẽ biến động chủ yếu theo tình trạng cung cầu.

Trong 2 năm qua, tương quan giữa giá dầu Brent và giá cao su tự nhiên đã giảm đáng kể. Thậm chí trong giai đoạn từ cuối quý III/2023 đến nay, giá dầu Brent liên tục giảm từ 89 USD/thùng xuống còn 81 USD/thùng (giảm 9%) trong khi đó giá các loại cao su tự nhiên lại bứt phá mạnh, tăng 14 - 28%, phản ánh tình trạng chênh lệch cung - cầu ngày càng sâu sắc của cao su tự nhiên.

Ngoài ra, các chuyên gia từ PHS cũng cho rằng, với các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận Quản lý rừng bền vững VFCO/PEFC sẽ có lợi thế rất lớn trong việc cung cấp vật liệu, sản phẩm cho các nhà sản xuất tại thị trường EU khi Đạo luật chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực từ năm 2025.

Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất trong quy hoạch chuyển đổi sẽ được hưởng lợi từ việc bồi thường đất hoặc phát triển mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, với các chủ trương phát triển ngành đã có sự thống nhất, đồng bộ từ các cấp sẽ giúp cho việc chuyển đổi được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn trong giai đoạn 2024-2030.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Quyết định số 431/QĐ-BNNTT về “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”.

Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025. Bên cạnh đó, quy hoạch các tỉnh giai đoạn 2021-2030 đã được chấp thuận và triển khai trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), nguồn cung các khu công nghiệp miền Nam giai đoạn 2021-2030 phần lớn đến từ đất cao su.

Theo Quy hoạch các khu công nghiệp Đồng Nai, diện tích khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sử dụng đất cao su chuyển đổi đạt 6.760 ha (chiếm 91% tổng diện tích) đến năm 2025 và 2.000 ha giai đoạn từ năm 2025- 2030 (chiếm 48% tổng diện tích).

Đồng thời, diện tích đất cao su chuyển sang khu công nghiệp trong giai đoạn đến năm 2025 của Bình Dương và Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu ước đạt 3.084 ha, 2.994 ha và 3.933 ha.

Chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp có các lợi thế. Cụ thể, diện tích đất liền thửa lớn, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh khi hành lang pháp lý về định giá đất được hướng dẫn rõ ràng làm cơ sở cho việc xác định giá chuyển nhượng. Bên cạnh đó, chi phí san lấp mặt bằng thấp do vùng đất có độ cứng cao. 

Việc chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp sẽ giúp cung cấp nguồn cung mới trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đạt trên 93%.

Các công ty có diện tích chuyển đổi lớn như Công ty cổ phần Xây dựng Cao su Đồng Nai (mã chứng khoán: CDR), Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR), Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR), Công ty cổ phần Cao su Tân Biên (mã chứng khoán: RTB), Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa (mã chứng khoán: BRR), Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng và Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) sẽ thu được khoản lợi nhuận tích cực từ đền bù đất cao su sang làm khu công nghiệp.

Ước tính, diện tích đất chuyển đổi từ trồng cây cao su sang phát triển khu công nghiệp của tập đoàn trong giai đoạn 2025-2030 đạt 15.000 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở các công ty trực thuộc tập đoàn như  Công ty cổ phần Xây dựng Cao su Đồng Nai, Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa , Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa, Công ty cổ phần Cao Su Tân Biên. Dự tính, lợi nhuận từ đền bù đất cao su của tập đoàn  có thể đạt 28.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2025-2030.

Bên cạnh đó, việc phát triển khu công nghiệp ở các công ty con, công ty liên kết cũng sẽ mang lại khoản thu lớn cho Tập đoàn Cao su Việt Nam.

SSI ước tính, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết của tập đoàn năm 2024 đạt khoảng 569 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trên thực tế, giá cổ phiếu GVR chốt phiên 11/4 tăng hơn 50% so với cuối năm 2023.

Với Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, SSI cho biết, nếu Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (317 ha) được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế Công ty thu về ước đạt 1.087 tỷ đồng năm nay. Với giá thuê đạt 75 USD/m2/chu kỳ thuê, bắt đầu cho thuê vào năm 2026, giúp đem lại lợi tăng trưởng mạnh mẽ cho công ty từ năm 2026.   

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú dự kiến chuyển nhượng 1.619 ha trong giai đoạn 2025-2030 đất cao su sang làm khu công nghiệp. Doanh thu từ đền bù đất trên cây cao su của công ty có thể đạt 2.429 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú có thể sẽ chuyển giao cho UBND tỉnh Bình Phước 100 ha để phát triển Cụm công nghiệp Tiên Hưng 1, với giá trị đạt 118,6 tỷ đồng. So với cuối năm 2023, giá cổ phiếu DPR hiện đã tăng hơn 25%.

Cổ phiếu của các công ty cao su khác cũng đều có đà tăng mạnh từ đầu năm đến nay như DRI tăng hơn 59%, PHR tăng 18,5%, RTB tăng hơn 19%, BRR tăng 23,5%, CDR tăng gần 11%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục