Hầm Đèo Cả phá thế "ốc đảo" của Phú Yên

11:50' - 03/09/2017
BNEWS Sau 2 tuần thông xe, khai thác an toàn, hầm đường bộ Đèo Cả bước đầu cho thấy những hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Hầm Đèo Cả phá thế "ốc đảo" của Phú Yên. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh việc rút ngắn khoảng cách, thời gian hành trình giữa Phú Yên và Khánh Hòa, công trình hứa hẹn sẽ tạo động lực cho kinh tế khu vực duyên hải miền Trung khởi sắc.

Phá thế “ốc đảo” cho Phú Yên

Từ lâu Phú Yên không thể vươn mình lớn mạnh như kỳ vọng bởi địa thế khép kín với phía Nam là dãy Đèo Cả sừng sững, phía Bắc là Đèo Cù Mông trập trùng, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bị ngăn cách bởi địa hình khiến cho tỉnh Phú Yên không thể giao lưu thuận lợi với các địa phương trong vùng. Vì thế mà Phú Yên cũng được xem là một trong những tỉnh nghèo của khu vực duyên hải miền Trung.

Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đánh giá, công trình hầm đường bộ Đèo Cả chính là niềm mơ ước, nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân các thế hệ của địa phương.

Hầm Đèo Cả và tiếp sau hầm Cù Mông sẽ mang đến niềm hy vọng, phá thế “ốc đảo” của tỉnh, mở toang cánh cửa thông thương, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng, an toàn giao thông; kết nối giữa hai khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa).

Từ nay hành trình của các tài xế trên cung đường Bắc - Nam khi đi qua Phú Yên sẽ thuận lợi hơn vì không phải chinh phục Đèo Cả quanh co, hiểm trở như trước. Đánh giá về việc này, ông Cao Xuân Giao, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: trước kia đáng lo nhất là tình trạng sụt trượt, ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường Đèo Cả, Cổ Mã.

“Chỉ tính riêng mùa mưa lũ cuối năm 2016 đã có hàng nghìn khối đất đá sụt trượt, gây ách tắc giao thông 4-5 tiếng đồng hồ. Do vậy, việc đưa công trình Hầm Đèo Cả vào khai thác sẽ khắc phục được những vấn đề trên, đồng thời giúp lái xe rút ngắn 9 km, kéo giảm đến 40 phút hành trình so với lưu thông trên đường đèo.

Ngoài ra, công trình cũng sẽ giúp đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông mùa mưa bão, phát triển thông thương giữa các địa phương và liên vùng …”, ông Giao chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng cho biết, tỉnh có tiềm năng du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng như những địa phương vùng duyên hải miền Trung khác, sở hữu lợi thế về bãi biển kéo dài có thể phát triển được bất động sản du lịch.

Vì vậy, để kích hoạt tiềm năng đó, Phú Yên cần có một cú “hích” đủ mạnh về hạ tầng và hầm Đèo Cả chính là cú hích để du khách trong và ngoài nước biết đến Phú Yên nhiều hơn.

Là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn Phú Yên, ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Vận tải và Du lịch Phúc Sơn, chia sẻ: “Từ ngày khánh thành hầm Đèo Cả, việc lưu thông giữa Phú Yên và Khánh Hòa rất thuận lợi, an toàn.

Chúng tôi đã khai thác được nhiều chuyến xe hơn trong ngày do thời gian được rút ngắn; cùng với đó doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiên liệu khi qua hầm thay vì đi đường đèo như trước”.

Tài xế Bùi Văn Đăng, chạy xe du lịch tuyến Phú Yên – Nha Trang chia sẻ, đi qua hầm quá nhiều lợi ích so với đường đèo, đặc biệt là về ban đêm, rút ngắn đến 40 phút hành trình, giảm hao mòn, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, không lo tai nạn giao thông và ùn tắc…

Mở ra cơ hội cho toàn vùng

Từ hầm Đèo Cả, Cù Mông đến Hải Vân giai đoạn 2, ba hạng mục thuộc Dự án hầm Đèo Cả do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư cùng chung mục đích, đó là tháo “nút thắt” để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng một cách thiết thực hơn.

Công trình hầm đường bộ Đèo Cả chính là niềm mơ ước, nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân các thế hệ của địa phương. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, dự án Hầm Đèo Cả là công trình trọng điểm Quốc gia, sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 1.

Đặc biệt, dự án sẽ tạo đà phát triển công nghiệp, du lịch khu vực duyên hải miền Trung; tăng cường liên kết vùng; trong đó kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang, các khu công nghiệp lân cận và các khu du lịch trong vùng.

Đúng như đánh giá của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, công trình hầm Đèo Cả khi đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội mới cho toàn khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Từ đây, khoảng cách giữa ba cụm đô thị phát triển vùng là Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang được rút ngắn, đồng thời chiến lược liên kết vùng (giữa các địa phương duyên hải miền Trung và duyên hải miền Trung với Tây Nguyên) vốn gặp rất nhiều trở ngại do điều kiện địa lý sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Nhìn nhận về vai trò liên kết vùng, các chuyên gia kinh tế đánh giá, để vùng kinh tế duyên hải miền Trung phát triển xứng tầm thì nhất thiết phải liên kết. Tuy vậy, việc liên kết có hiệu quả hay không lại tùy thuộc vào điều kiện liên kết hạ tầng, cho đến các cơ chế, chính sách…

Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên vẫn là cơ hội giao thương giữa các địa phương có thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Vì vậy, việc khánh thành hầm đường bộ Đèo Cả sẽ tháo được “nút thắt” về hạ tầng cho cả vùng kinh tế này.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, dự án Hầm đường bộ Đèo Cả mang lại lợi ích to lớn ở nhiều lĩnh vực. Trước hết, công trình sẽ xóa bỏ điểm đen về tai nạn giao thông, tránh được đường đèo dài nguy hiểm, nối thông được hai miền Nam - Bắc.

Ý nghĩa rộng hơn, công trình góp phần vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo động lực phát triển toàn diện cho khu vực.

Có thể khẳng định, dự án không chỉ dừng lại ở mức tác động tích cực đến hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, mà còn có ý nghĩa mang tầm khu vực quốc gia, nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía Nam, nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung.

Dự án còn tạo sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên, cũng như đường xuyên Á ra biển, kết nối với đường hàng hải quốc tế.

Dự án Đèo Cả có quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT, bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam. Việc đưa dự án hầm Đèo Cả vào khai thác vận hành mang ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực thi công hầm đường bộ.

Trong bài phát biểu tại lễ thông xe hầm Đèo Cả ngày 21/8 vừa qua, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, chia sẻ: “Người dân khu vực Nam Trung Bộ, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa vẫn truyền tai nhau câu ca dao: “Ai về Bình Định thăm cha – Phú Yên thăm mẹ - Khánh Hòa thăm em”, để nói lên mối quan hệ gắn bó khăng khít của nhân dân giữa 3 tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều đời nay quan hệ đó gặp sự cách trở về không gian, thời gian và địa lý- đó là việc giao lưu của nhân dân trong vùng bị trở ngại bởi Đèo Cả và Đèo Cù Mông”.

“Với việc vượt qua những khó khăn vất vả để thông xe hầm Đèo Cả, nỗ lực hoàn thành Đèo Cù Mông đầu năm 2018 không chỉ giúp nhân dân 3 tỉnh thỏa được ước mong này mà còn góp phần tạo nên một diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của vùng Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung”, ông Hoàng cho hay.

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả có điểm đầu tại Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên), điểm cuối tại Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), với tổng chiều dài 13,2 km.

Trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125 m, hầm đèo Cổ Mã dài 500 m, cầu và đường dẫn dài 9km. Quy mô toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h.

Ngày 15/8/2017, công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác. Ngày 21/8/2017, sau 6 năm triển khai (trong đó hơn 4 năm thi công trực tiếp), công trình hầm Đèo Cả chính thức thông xe toàn tuyến, bước vào giai đoạn vận hành, phát huy hiệu quả dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục