Hạn chế vi phạm trong an toàn thực phẩm

15:59' - 12/10/2021
BNEWS Đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập.
Nhằm hướng đến mục tiêu "tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn", Bộ Công Thương đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp giúp hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật mới về an toàn thực phẩm.

Điều này góp phần tạo dư luận tốt trong xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các mô hình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tiên tiến như: HACCP, ISO được triển khai áp dụng trên diện rộng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp.
Đặc biệt, thông qua nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2015 và Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 100 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm triển khai áp dụng mô hình quản lý tiên tiến nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm.
Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh xã hội hóa việc kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.
Đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu; trong đó, 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 3 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng.
Hoạt động này đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tổng hợp, đánh giá các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan để kiến nghị Chính phủ trong việc hoạch định chính sách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm xã hội của đội ngũ công chức làm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; mở rộng hợp tác quốc tế để ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo hướng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, một trong những quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phép thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm (trừ các sản phẩm quy định tại khoản 2 Điều 4 và Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP).
Việc thực hiện quy định này phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên quy định này cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Đến nay, Bộ Công Thương đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và tham gia là thành viên tại đoàn kiểm tra do Bộ khác chủ trì tiến hành kiểm tra tại các tỉnh/thành phố được phân công.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương/Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, nội dung kiểm tra chú trọng về hồ sơ tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu, sử dụng phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm, hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn tập trung nguồn lực cho việc hậu kiểm. Các cơ quan quản lý trong ngành thường xuyên tổ chức lấy mẫu để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng, nếu phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, chỉnh sửa và phối hợp ban hành các chế tài đủ mạnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục