Hạn mặn tác động đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

20:54' - 21/10/2022
BNEWS Năm năm qua hiện tượng ngập lụt, sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến việc nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông sản của người dân.

Chiều 21/10, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp cùng Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức Diễn đàn "Tác động hạn mặn đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - các giải pháp thích ứng".

 

Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cùng hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, 5 năm qua hiện tượng ngập lụt, sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng đến việc nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông sản cũng như gây tác hại nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống của người dân.

Đồng thời, gây thiệt hại, cản trở sự phát triển kinh tế của vùng nói chung và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở khu vực này. Vì vậy, nếu như không có có những giải pháp từ xa, nền tảng, căn cơ cho việc thích ứng thì ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến nông sản nói riêng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, bên cạnh những doanh nghiệp tiên phong, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ bởi trình độ và hiểu biết hạn chế. Cùng với đó là thiếu những định chế, tổ chức để triển khai những chính sách một cách hiệu quả. Nhiều địa phương chưa gắn chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu là người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách, tạo ra nhiều chính sách thiếu tính khả thi thực tiễn.

Nhiều thông tin, chính sách từ Trung ương hay địa phương chưa đến được người dân, doanh nghiệp do thiếu những kênh thông tin chính thống và tin cậy ... Vì vậy, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế hiện nay còn khá rời rạc.

Trước những thách thức và diễn biến đó, năm 2021, VCCI Cần Thơ đã cùng Quỹ Châu Á hình thành sáng kiến thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 5/2022, Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long được ra mắt với 41 thành viên ban đầu gồm đại diện các cơ quan nhà nước, Viện trường và doanh nghiệp tiên phong của vùng.

Theo Giám đốc VCC Cần Thơ, đây được xem là mạng lưới doanh nghiệp đầu tiên của cả nước được hình thành để trao đổi hợp tác về các nội dung, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, là bước đi đầu tiên và cụ thể để triển khai các hoạt động liên quan biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế.

Báo cáo kết quả khảo sát về tác động hạn mặn đến doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long của VCCI Cần Thơ cho biết, ước tính trong 9 tháng năm 2022, thiệt hại của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu lên đến khoảng 9.000 tỷ đồng. Con số này có thể nó không có ý nghĩa nhưng nếu so sánh với ngân sách địa phương thì đó là ngân sách của một tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khảo sát của VCCI Cần Thơ được thực hiện với 113 doanh nghiệp ở những địa phương chịu tác động lớn của hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang hoạt động trong ngành nông nghiệp. Theo đó, có gần 90% doanh nghiệp có quan tâm vấn đề tác động của biến đổi khí hậu và hạn mặn, gần 90% doanh nghiệp cho rằng hạn mặn tác động nghiêm trọng, gần 23% cho rằng tác động rất nghiêm trọng.

Có 73% doanh nghiệp cho rằng hạn mặn tác động chủ yếu vào vùng nguyên liệu, còn vấn đề tài chính, nguồn nhân lực bị tác động rất ít. Báo cáo cũng chỉ ra rằng hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đã có phương án thích ứng, xây dựng chiến lược nhưng đầu tư cho hạn mặn thì còn rất ít doanh nghiệp làm…

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, cũng như các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm gần đây, thành phố Cần Thơ phải đối mặt với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, ngập lụt, hạn hán, một số hiện tượng thời tiết cực đoan khác...

Việc các quốc gia thượng nguồn sông Mekong đang tăng cường khai thác nguồn nước để phát triển thủy điện và các hoạt động kinh tế khác dẫn tới sự suy giảm lưu lượng nước tử thượng nguồn đổ về và thường thiếu nước vào mùa khô, tăng nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Thông qua diễn đàn, UBND thành phố Cần Thơ kêu gọi sự đóng góp, hợp tác, chia sẻ của các địa phương, cộng đồng, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có giải pháp thích ứng với biến đổi khi hậu; cùng đoàn kết vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu; trong đó có hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô hạn trong thời gian tới.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã cùng thảo luận xu hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, những kinh nghiệm thực tiễn được áp dụng .... để các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, hợp tác, ứng dụng để triển khai một cách hiệu quả. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ là hoạt động góp phần cung cấp thông tin và tạo những chuyển biến tích cực đề cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau tìm ra những giải pháp kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục