Hàn Quốc có thể ứng phó khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ​

07:51' - 06/05/2023
BNEWS Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các ngân hàng Hàn Quốc vẫn kiên cường đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ gần đây, nhưng rủi ro xung quanh thị trường bất động sản vẫn tăng cao.

Hàn Quốc đã và đang theo dõi sát sao những tác động từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ và cuộc khủng hoảng của Credit Suisse, một ngân hàng đầu tư lớn tại Thụy Sỹ.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Yonhap ngày 4/5, Krishna Srinivasan, người đứng đầu Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cho biết hệ thống tài chính của Hàn Quốc, bao gồm cả lĩnh vực ngân hàng truyền thống và ngân hàng trực tuyến, có khả năng chống chịu với áp lực ngành ngân hàng gần đây tại Mỹ và Thụy Sỹ.

Mối liên quan giữa các ngân hàng Hàn Quốc và các ngân hàng bị ảnh hưởng ở nước ngoài khá nhỏ. Thêm vào đó, việc chính phủ yêu cầu các ngân hàng thận trọng và duy trì "bộ đệm" vốn dồi dào sẽ giúp các ngân hàng vượt qua những cú sốc bất lợi.

Quan chức của IMF lưu ý Hàn Quốc không nên lo ngại về dòng vốn chảy ra ngoài, bất chấp khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Hàn Quốc ngày càng lớn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 5-5,25% hôm 3/5, tiếp tục nới rộng khoảng cách lãi suất với Hàn Quốc. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức 3,5% trong tháng 4/2023, sau khi đóng băng lãi suất hồi tháng 2/2023 trong bối cảnh lạm phát dường như có dấu hiệu giảm xuống và những quan ngại về suy thoái kinh tế gia tăng.

BoK dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng 5/2023.

Ông Krishna Srinivasan cho biết các quyết định chính sách lãi suất sẽ cần phải phụ thuộc vào số liệu và IMF vẫn đang theo dõi sát sao những rủi ro liên quan đến bất động sản. Ông Srinivasan lưu ý số liệu gần đây cho thấy một số dấu hiệu về việc giá nhà giảm và khối lượng giao dịch mua bán bất động sản phục hồi.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Bất động sản Hàn Quốc, số lượng nhà được giao dịch trong tháng 2/2023 ở mức 41.191, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp sự suy giảm này, con số này thể hiện mức tăng gần 60% so với tháng trước đó.

Ông Srinivasan cho hay các biện pháp bãi bỏ quy định và thuế gần đây của chính phủ nhằm hỗ trợ nhu cầu nhà ở và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch, cùng với việc nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, đặc biệt là ở khu vực Seoul mở rộng, có thể giúp ngăn chặn đà giảm giá nhà ở đang diễn ra.

Theo ông Srinivasan, trong trường hợp xảy ra những cú sốc tồi tệ hơn dự kiến, Chính phủ Hàn Quốc có công cụ và chính sách để hạn chế sự lây lan và giảm bớt tác động bất lợi cho nền kinh tế.

Đề cập đến việc xuất khẩu của Hàn Quốc đang chậm lại, ông Srinivasan cho biết cán cân thương mại của nước này sẽ "dần phục hồi" khi chu kỳ kinh doanh chất bán dẫn bình thường hóa.

Ông Srinivasan cho biết hoạt động xuất khẩu sụt giảm gần đây của Hàn Quốc chủ yếu là do chu kỳ sản xuất chất bán dẫn giảm và tăng trưởng ở các nước đối tác thương mại quan trọng suy yếu, trong đó có Trung Quốc.

Trong tháng 4/2023, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 14,2% xuống 49,6 tỷ USD giữa bối cảnh các nền kinh tế lớn thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn để kiềm chế lạm phát và suy thoái kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2020 xuất khẩu giảm 7 tháng liên tiếp.

Ông Srinivasan cho biết thêm sự phân mảnh trong thương mại toàn cầu dự kiến sẽ gây ra những tác động bất lợi cho Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục