Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chơi công nghệ lớn?

05:30' - 12/07/2025
BNEWS Vài tuần sau khi chính phủ mới của Hàn Quốc nhậm chức, thị trường đã định giá sẵn những kỳ vọng lạc quan nhất dành cho ngành công nghệ Hàn Quốc thông qua việc chỉ số KOSPI liên tục tăng nóng.
Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6/2025, KOSPI (chỉ số của các cổ phiếu phổ thông được giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc) đã nằm trong nhóm hoạt động tốt nhất châu Á. Sau khi Tổng thống Lee Jae-myung giành chiến thắng, KOSPI tiếp tục tăng vọt theo kiểu "nóng chảy", khiến nhiều chuyên gia bắt đầu cảnh báo về nguy cơ thị trường quá nóng.

Đáng chú ý, sự hưng phấn của nhà đầu tư được thúc đẩy bởi cam kết hỗ trợ của chính quyền mới trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và stablecoin (một dạng tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định bằng cách neo với một tài sản cụ thể như đồng USD), khiến các cổ phiếu liên quan tăng mạnh và duy trì đà đi lên trong vòng vài tuần qua.

Chỉ vài tuần sau khi chính quyền mới nhậm chức, có vẻ như thị trường đã định giá sẵn những kỳ vọng lạc quan nhất dành cho ngành công nghệ Hàn Quốc – một lĩnh vực vẫn còn cả chặng đường dài để chứng minh vị thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về AI. Nhìn lại thập kỷ theo đuổi vị thế dẫn đầu công nghệ của Trung Quốc là minh chứng sống động cho mức độ khó khăn của hành trình này.

 

Đà tăng của KOSPI gây bất ngờ vì nhiều lý do. Thứ nhất, không có sự cải thiện rõ rệt nào về các yếu tố vĩ mô hay lợi nhuận doanh nghiệp để lý giải tâm lý lạc quan lan rộng. Thứ hai, lực mua chủ yếu đến từ nhà đầu tư nội địa, trong khi khối ngoại – vốn nổi tiếng với cách tiếp cận thận trọng dựa trên nền tảng cơ bản – vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi.

Thông thường, một chu kỳ tăng giá ở Hàn Quốc bắt đầu bằng việc nhà đầu tư nước ngoài mua vào ở vùng đáy khi định giá rẻ. Sau đó, các tổ chức tài chính nội địa tham gia khi lợi nhuận doanh nghiệp bắt đầu cải thiện. Cuối cùng là làn sóng đổ tiền của nhà đầu tư cá nhân, đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn nữa trong giai đoạn cuối chu kỳ. Giai đoạn này thường chứng kiến sự hưng phấn theo chủ đề, theo ngành và theo mã cổ phiếu, kéo định giá lên mức bong bóng. Điều đặc biệt lần này là nhà đầu tư trong nước của Hàn Quốc lại giữ vai trò dẫn dắt thị trường ngay từ đầu, trong khi khối ngoại vẫn chưa nhập cuộc.

Một trong những chủ đề nóng nhất đang được nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt kỳ vọng là kế hoạch phát triển AI và stablecoin của chính phủ mới. Tổng thống Lee đã tuyên bố AI là ưu tiên hàng đầu và cam kết gói hỗ trợ trị giá 100.000 tỷ won (khoảng 73,6 tỷ USD) để thúc đẩy lĩnh vực này. Cho đến nay, các chính sách cụ thể vẫn còn rất hạn chế, tuy nhiên giá cổ phiếu liên quan đã bứt phá mạnh chỉ dựa vào các tuyên bố định hướng – khiến nhiều người liên tưởng tới bong bóng công nghệ, truyền thông và viễn thông đầu những năm 2000.

Trong bối cảnh đó, đây là thời điểm phù hợp để nhìn lại một chính sách công nghệ đầy tham vọng nhưng thực chất hơn rất nhiều: "Made in China 2025" (MIC2025) của Trung Quốc.

Cách đây đúng 10 năm, Trung Quốc đã công bố chiến lược MIC2025 nhằm đưa nước này trở thành cường quốc không chỉ về sản xuất mà còn về công nghệ cao. Ban đầu, nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, xem nhẹ kế hoạch này – bởi Nhật Bản từng mất nhiều thập kỷ kể từ thập niên 1970 mới đạt được vị thế công nghệ cạnh tranh. Sau đó, Hàn Quốc cũng cần nhiều năm nỗ lực để vươn lên sau Nhật Bản.

Tuy nhiên, MIC2025 của Trung Quốc lại đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thời gian ngắn, đặc biệt nhờ định hướng tự chủ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong ngành sản xuất. 10 năm sau khi MIC2025 được công bố, Trung Quốc không chỉ là nhà xuất khẩu các sản phẩm giá rẻ mà đã trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự ở phân khúc sản phẩm công nghệ cao. Mặc dù động lực tăng xuất khẩu phần nào đến từ nhu cầu vực dậy nền kinh tế nội địa, song hàng hóa Trung Quốc ngày càng được đánh giá cao nhờ giá cả cạnh tranh đi kèm chất lượng. Đây được xem là phiên bản mở rộng đáng kể của câu chuyện Hyundai và Samsung từng viết nên trong hành trình vươn ra thế giới.

Chiến lược định giá thấp của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng lạm phát toàn cầu, nhất là tại các quốc gia nhập khẩu, đặc biệt ở châu Á, nơi giá tiêu dùng nhạy cảm với hàng hóa nhập khẩu. Khi kinh tế trong nước gặp khó, các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng bù đắp bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, tạo sức ép cạnh tranh lên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đây, chiến lược giá thấp gắn liền với hàng hóa sản xuất, đặc biệt là thiết bị điện tử. Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) từng tận dụng chiến lược này để chiếm lĩnh các thị trường mới nổi, rồi dần cải thiện chất lượng sản phẩm để bước vào các thị trường phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đi xa hơn – không chỉ ở phần cứng mà còn trên cả mặt trận công nghệ cốt lõi, vốn là lợi thế phương Tây nắm giữ suốt hơn một thế kỷ.

Sự xuất hiện gần đây của DeepSeek – mô hình AI ngôn ngữ tiên tiến – là minh chứng rõ nét cho tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ cao. Có thể nói, Trung Quốc đã vượt châu Âu để trở thành quốc gia công nghệ cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Sau 10 năm triển khai MIC2025, Trung Quốc không chỉ thu hẹp khoảng cách trong sản xuất mà còn đạt bước tiến vượt trội trong AI – vượt qua Hàn Quốc và đang bắt đầu thách thức Mỹ.

Tại Hàn Quốc, làn sóng đầu tư sôi động trở lại sau giai đoạn bất ổn chính trị liên quan đến thiết quân luật, cộng hưởng với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo của Tổng thống Lee – người kế nhiệm ba đời tổng thống trước vốn không tạo nhiều thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

Lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán thường phản ứng tích cực với kỳ vọng rằng tổng thống mới sẽ giúp cải thiện nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, nếu nhìn lại MIC2025, Trung Quốc đã cần tới 10 năm để DeepSeek có thể ra mắt một cách ngoạn mục và bất ngờ. Tham vọng công nghệ của Hàn Quốc trong thời kỳ chuyển đổi này sẽ không thể chỉ dựa vào vài tuyên bố chính sách. Như kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, điều quan trọng là thiết lập và duy trì được các hành động chính sách có chiều sâu, vượt xa một nhiệm kỳ tổng thống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục