Hàn Quốc: Giới chuyên gia kêu gọi chính phủ hành động trước rủi ro kinh tế

09:03' - 07/04/2025
BNEWS Chính phủ nước này cần nhanh chóng quyết định ngân sách bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang suy yếu và sẽ tiếp tục trì trệ cho dù cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bị bãi nhiệm.

Các nhà kinh tế và giới phân tích tài chính Hàn Quốc cho rằng, chính phủ nước này cần nhanh chóng quyết định ngân sách bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang suy yếu và sẽ tiếp tục trì trệ cho dù cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bị bãi nhiệm.

 

Khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về việc thiếu vị trí lãnh đạo hàng đầu sẽ tiếp tục làm trầm trọng hơn nữa định hướng chính sách chung, trong khi thời điểm áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng của Hàn Quốc xuất khẩu vào Mỹ đang đến gần.

Nhà kinh tế trưởng Chang Jae-chul của Viện nghiên cứu kinh tế Pinnacle cho biết, Hàn Quốc đang phải đối mặt với rủi ro gia tăng về một cuộc suy thoái kinh tế mạnh hơn. Nó bắt nguồn từ nhu cầu trong nước yếu và các mối đe dọa thuế quan của Mỹ khiến tổn hại đến các nhà xuất khẩu chính của nước này. Theo đó, chính phủ nên nhanh chóng thông qua khoản 30.000 tỷ won (20 tỷ USD) ngân sách bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế.

Thông tin tiết lộ rằng giới chức Hàn Quốc đang dự kiến chi số tiền trên để hỗ trợ khẩn cấp cho ngành công nghiệp ô tô trong nước nhằm giảm thiểu tác động từ mức thuế mới của Mỹ. Theo đó, chính phủ sẽ thông qua kế hoạch tài chính khẩn cấp, được thực hiện thông qua các ngân hàng nhà nước như Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB).

Cùng với đó, KDB và các ngân hàng chính sách khác sẽ cung cấp gần 250.000 tỷ won trong năm nay nhằm giúp các doanh nghiệp đối phó với điều kiện kinh doanh toàn cầu xấu đi và tái cơ cấu các ngành công nghiệp.

Hiện chưa có xác nhận chính thức từ chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, Ủy ban Dịch vụ Tài chính sẽ họp với các lãnh đạo cấp cao từ các ngân hàng thương mại lớn và ngân hàng nhà nước trong ngày 7/4, nhằm khuyến khích các ngân hàng tham gia nỗ lực phối hợp hỗ trợ ngành ô tô đang gặp khó khăn.

Giới phân tích chỉ ra rằng sự chậm trễ nào trong việc thực hiện bổ sung ngân sách kích thích sản xuất sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái.

Nhà kinh tế Chang Jae-chul nhấn mạnh nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải chịu một đòn nặng nề hơn dự kiến nếu không có sự điều chỉnh lớn trong thực hiện nhiệm vụ chi tiêu tài chính có phần bảo thủ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Yoon.

Tình đến quý IV/2024, chi tiêu bán lẻ đã ghi nhận 11 quý sụt giảm. Theo ông Chang, nền kinh tế đã có xu hướng giảm trong vài năm qua, người tiêu dùng chịu áp lực lớn vì giá cả và chi phí vay liên tục tăng cao. Chính phủ cần phải có các hỗ trợ để giảm hoặc làm chậm lại tốc độ của xu hướng đáng lo ngại này.

Nhà kinh tế học Joo Won của Viện nghiên cứu Hyundai cho rằng các đảng phái chính trị ở Hàn Quốc nên đạt được thỏa thuận về việc triển khai nhanh chóng các khoản chi ngân sách bổ sung.

Theo ông Joo Won, hai tháng trống vị trí lãnh đạo sắp tới có thế dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn về thuế quan. Với những diễn biến khó lường, các doanh nghiệp sẽ trì hoãn các quyết định đầu tư lớn và niềm tin của người tiêu dùng sẽ giảm trong một thời gian.

Hana Bank cho biết, mức thuế 25% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ giảm 13%, tương đương với mức giảm 10.600 tỷ won.

Một viện nghiên cứu thuộc Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc cũng ước tính rằng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ sẽ giảm 12,8% và tổng khối lượng xuất khẩu sẽ giảm 4,6% do tác động từ thuế quan.

Viện cho biết các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là ô tô và máy móc nói chung. Tăng trưởng xuất khẩu chip của Hàn Quốc sang Mỹ sẽ bị giới hạn ở mức 1%.

Một báo cáo của Ngân hàng KB Kookmin cũng cho hay các ngành công nghiệp của Hàn Quốc sẽ chứng kiến mức giảm lợi nhuận hoạt động lên tới 4% vì thuế quan cao do Mỹ áp đặt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục