Hàn Quốc "mất mùa kinh doanh”

10:37' - 02/01/2025
BNEWS Rất nhiều khách hàng đã hủy đặt tiệc cuối năm vào tháng 12. Một số nhóm đã hủy các bữa tiệc Năm mới sau vụ tai nạn máy bay Jeju Air tại Muan.
Cuối năm và đầu năm thường là mùa kinh doanh phát đạt cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Khoảng thời gian này kéo dài với hàng loạt các ngày lễ, tiệc công ty và không khí lễ hội tất niên, tân niên. Đây là thời điểm mọi người tổ chức gặp gỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp tại nhà hàng hay mua sắm quà tặng đồ ăn tại các cửa hàng trung tâm thương mại.

 

Tuy nhiên, không có những dấu hiệu gia tăng chi tiêu đối với Hàn Quốc trong tháng cuối cùng của năm 2024. Tâm lý người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn chính trị. Thêm vào đó là vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ quốc gia. Triển vọng chi tiêu liên quan đến lễ hội năm mới vào năm 2025 cũng rất ảm đạm.

Theo nhật báo Joongang Ilbo, một chủ nhà hàng thịt nướng ở khu phố đông đúc thuộc thành phố Sejong cho biết tháng 12 đi qua mà không có cảm giác về mùa lễ hội. Cửa hàng của anh phải đóng cửa lúc 22h do vắng khách. Thông thường các nhà hàng thịt nướng thường bán quá 24h.

Một nhân viên của một nhà hàng Trung Quốc tại Gwanghwamun, trung tâm thủ đô Seoul, nơi tổ chức nhiều cuộc họp nhóm, cho biết cửa hàng có rất nhiều khách hàng đã hủy đặt tiệc cuối năm vào tháng 12. Một số nhóm đã hủy các bữa tiệc Năm mới sau vụ tai nạn máy bay Jeju Air tại Muan.

Đất nước Hàn Quốc đang trong thời gian quốc tang 7 ngày để tưởng nhớ 179 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay hôm 29/12. Chính quyền các địa phương, đặc biệt là chính quyền thành phố Gwangju và tỉnh Nam Jeolla, nơi có phần lớn các nạn nhân, đã hủy các lễ hội cuối năm và năm mới. Chính quyền nhiều thành phố khác cũng làm theo như thành phố Busan, Ulsan và Wonju đều hủy các lịch tổ chức lễ hội tất niên, tân niên. Thành phố Daegu cũng đã  hủy bỏ buổi lễ lớn dự kiến tổ chức trong ngày đầu năm mới

Thảm kịch của hãng hàng không Jeju Air xảy ra vào thời điểm chi tiêu trong nước vốn đã trì trệ. Bất ổn chính trị sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào ngày 3/12 và hai cuộc bỏ phiếu luận tội thay đổi nguyên thủ quốc gia, đã làm giảm đáng kể chi tiêu của người dân. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho các bữa tối cuối năm, được coi là thời điểm cao điểm cho doanh số bán hàng của các doanh nghiệp tự kinh doanh, đã giảm đáng kể.

Niềm tin của người tiêu dùng đã giảm mạnh. Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK),chỉ số tâm lý người tiêu dùng tổng hợp (CCSI) được ghi nhận ở mức 88,4 trong tháng 12/2024. CCSI là chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng về nền kinh tế và chỉ ra tâm lý tiêu cực khi chỉ số này dưới 100. Mức 88,4 được ghi nhận vào tháng 12/2024 là mức thấp nhất kể từ mức 86,6 được ghi nhận vào tháng 11/2022 và thấp hơn 12,3 điểm so với tháng 11/2024. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này giảm 18,3 điểm vào tháng 3/2020 sau khi bùng phát đại dịch COVID-19 và các quy định nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên toàn quốc.

Dữ liệu thống kê cho biết chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc có xu hướng chậm lại khi xảy ra các thảm họa lớn như trường hợp chìm phà Sewol vào tháng 4/2014 và vụ giẫm đạp ở Itaewon xảy ra vào tháng 10/2022 gây thương vong hàng loạt. Các sự kiện và cuộc tụ họp công cộng cũng bị hủy hàng loạt vào thời điểm đó, trong khi các công ty tư nhân không tổ chức các sự kiện, hội họp.

Giáo sư kinh tế Kang Seong-jin thuộc Đại học Hàn Quốc, cho biết dường như tuyên bố thiết quân luật và việc luận tội Tổng thống đã làm gia tăng xu hướng tránh các buổi tụ tập ăn tối kể từ sau đại dịch COVID-19. Càng ít tiệc tối, mọi người càng ít chi tiêu, do đó, điều đáng lo ngại là hiện tượng này có thể dẫn đến nhu cầu trong nước chậm lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục