Hàn Quốc thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ thị trường việc làm trong năm 2023

12:42' - 11/01/2023
BNEWS Năm 2023, Hàn Quốc đã phê duyệt ngân sách cho Bộ Lao động và việc làm ở mức 34.950 tỷ won nhằm bình thường hóa thị trường lao động sau đại dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cục Thống kê Hàn Quốc ngày 11/1 công bố số liệu cho thấy 2022 là năm Hàn Quốc ghi nhận tạo được nhiều việc làm nhất trong hơn 20 năm qua, tăng 816.000 so với một năm trước đó. Đây là năm có số lượng việc làm gia tăng kỷ lục kể từ năm 2000, khi Hàn Quốc báo cáo mức tăng 882.000 việc làm trong năm.

 

Nếu so với năm 2021, số lượng việc làm năm 2022 cũng gia tăng đáng kể với 370.000 việc. Tính riêng trong tháng 12, trên cả nước đã có thêm 509.000 việc.

Tính đến thời điểm tháng 12/2022, Hàn Quốc đã đạt mốc tăng trưởng việc làm liên tiếp trong vòng 22 tháng, dù tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong tháng thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế.

Giới phân tích chỉ ra rằng việc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đang đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến chi phí vay tăng và gây tác động giảm việc làm do các doanh nghiệp và hộ gia đình cắt giảm chi tiêu. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản thêm 2,75 điểm phần trăm kể từ tháng 8/2021 và hiện ở mức 3,25%.

Trước tình hình thị trường việc làm được dự báo sẽ có nhiều biến động tiêu cực trong năm 2023, công tác trọng tâm trong năm 2023, công bố phương án kéo dài thời gian nghỉ phép để chăm sóc con nhỏ cho các cặp vợ chồng đều đi làm và cùng nuôi con, từ một năm lên một năm 6 tháng cho mỗi người.

Giới hạn về độ tuổi của trẻ được áp dụng chế độ rút ngắn thời gian làm việc của bậc cha mẹ đang chăm sóc con nhỏ cũng được mở rộng từ dưới 8 tuổi lên dưới 12 tuổi. Nếu người lao động chuyển thời gian nghỉ phép chăm sóc con nhỏ sang thành giảm giờ làm việc sẽ được nhận các ưu đãi của chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Lao động vừa công bố trọng tâm công tác năm 2023, tập trung vào các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường việc làm và hỗ trợ người lao động. Bộ đang bắt tay vào thảo luận nhằm lập các căn cứ pháp lý cho việc tuyển dụng liên tục, tức không yêu cầu những người đã đến tuổi về hưu phải thôi việc mà tái tuyển dụng nhóm này trong một khoảng thời gian nhất định để đối phó với tình trạng già hóa dân số và thiếu người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động cũng quyết định hạn tăng lượng visa cấp cho lao động phổ thông (E-9) dành cho người nước ngoài lên mức nhiều nhất từ trước tới nay là 110.000 người, nhằm giải tỏa vấn nạn thiếu nhân lực tại các nhà máy sản xuất công nghiệp. Bộ sẽ xúc tiến sửa đổi luật hiện hành để những lao động làm việc lâu dài có tay nghề cao có thể ở lại để làm việc trong nước hơn 10 năm mà không cần phải xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại.

Bộ Tuyển dụng và lao động còn báo cáo những nội dung về việc sẽ chính thức thực thi "gói đảm bảo để doanh nghiệp và lao động đang tìm việc có được bước tiến nhảy vọt", nhằm giải quyết những khó khăn trong vấn đề tìm việc của người lao động, hay vấn đề tuyển dụng của doanh nghiệp. Số lượng người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ cấp chi phí đi lại khi làm việc cũng được nâng từ mức 3.900 người của năm 2022 lên 15.000 người trong năm nay.

Năm 2023, Hàn Quốc đã phê duyệt ngân sách cho Bộ Lao động và việc làm ở mức 34.950 tỷ won nhằm bình thường hóa thị trường lao động sau đại dịch COVID-19, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, đảm bảo ổn định và phát triển bền vững của thị trường lao động.

Trong năm nay, Bộ sẽ tập trung triển khai các chương trình lớn như tăng cường đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, sắp xếp lại cơ sở hạ tầng dạy nghề công lập, tăng cường các chương trình giải quyết tình trạng thiếu lao động, nâng cao cơ sở hạ tầng dịch vụ việc làm quốc gia, tăng cường mạng lưới đảm bảo an toàn lao động, mở rộng hỗ trợ thiết thực cho các bậc cha mẹ cùng đi làm đang nuôi con nhỏ, xúc tiến chế độ làm việc liên tục của người già và tăng cường an sinh cho người cao tuổi..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục