Hàn Quốc trở thành điểm đến đầu tư trái phiếu hàng đầu

09:58' - 10/10/2024
BNEWS Với việc được đưa vào Chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới (WGBI) bắt đầu từ năm 2025, Hàn Quốc sẽ ngay lập tức trở thành điểm đến đầu tư trái phiếu chính phủ lớn thứ chín trên thế giới.
FTSE Russell, đơn vị quản lý Chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới (WGBI) của Anh, ngày 9/10 (theo giờ Seoul) cho biết trái phiếu chính phủ của Hàn Quốc sẽ được thêm vào WGBI từ tháng 11/2025, theo kết quả xem xét phân loại thị trường trái phiếu các nước định kỳ.

 
WGBI bao gồm trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Nhật Bản, được coi là "câu lạc bộ trái phiếu chính phủ của các nước phát triển", với quy mô dòng vốn đầu tư dựa theo chỉ số này trên thị trường tài chính toàn cầu ước tính khoảng 2.500 tỷ USD. WGBI là một trong hai nhóm trái phiếu chính phủ lớn cùng với Chỉ số trái phiếu chính phủ toàn cầu Bloomberg-Barclays (BBGA), có quy mô dòng vốn tới 3.000 tỷ USD.

Hàn Quốc, được sáp nhập vào BBGA từ đầu năm 2002, đã theo đuổi việc gia nhập WGBI từ năm 2008 để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, do tiếp tục bị nhận các đánh giá tiêu cực trong hạng mục tiếp cận thị trường, khi đánh giá các điều kiện bất lợi với đầu tư nước ngoài, nên Hàn Quốc chỉ được liệt kê là quốc gia cần theo dõi trong đợt đánh giá vào tháng 9/2022.

Sau hai năm nỗ lực cải thiện các điều kiện trong vấn đề chuyển nhượng vốn, thời gian giao dịch ngoại hối, Hàn Quốc đã được FTSE Russell cho phép hội nhập vào WGBI từ tháng 11/2025. Theo báo Donga Ilbo, cho dù Hàn Quốc là quốc gia thứ 26 của CLB trái phiếu chính phủ các nước phát triển nhưng tỷ trọng của Hàn Quốc lại đứng thứ chín.

WGBI được coi là chỉ số trái phiếu có các nhà đầu tư có chất lượng cực cao, trong đó có Quỹ hưu trí công cộng Nhật Bản (GPIF), một trong những quỹ hưu trí lớn nhất thế giới. Do các chỉ số chuẩn mức độ tín nhiệm cao nên WGBI thường thực hiện đầu tư ngay sau khi đưa vào, nên dự kiến hơn 56 tỷ USD sẽ tuần tự chảy vào thị trường trái phiếu chính phủ Hàn Quốc bắt đầu từ năm tới.

Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng rằng việc được đưa vào nhóm WGBI sẽ có tác động đáng kể cả về cung, cầu trái phiếu chính phủ và lãi suất. Điều này có nghĩa là trong khi nhu cầu trái phiếu chính phủ sẽ tăng lên với các nhà đầu tư nước ngoài thì lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ cũng có thể được hạ xuống đáng kể.

Ông Kim Eun-ki, nhà nghiên cứu cấp cao tại công ty chứng khoán Samsung Securities, cho biết theo kế hoạch việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ tăng đáng kể trong năm 2025. Thị trường đã lo ngại về nguồn cung tăng song với việc Hàn Quốc được gia nhập nhóm WGBI, vấn đề hấp thụ trái phiếu chính phủ đã được giải quyết.

Viện Tài chính Hàn Quốc dự đoán tác động của việc giảm lợi suất trái phiếu chính phủ do được đưa vào WGBI là 0,2 điểm phần trăm đến 0,6 điểm phần trăm và Viện Thị trường vốn Hàn Quốc dự đoán là 0,2 điểm phần trăm đến 0,7 điểm phần trăm. Một quan chức của Bộ Tài chính cho biết hiệu ứng giảm lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ vẫn tiếp tục kể cả sau giai đoạn gia nhập WGBI vào tháng 11 năm tới.

Năm 2023, số dư phát hành trái phiếu chính phủ Hàn Quốc tăng lên 998.000 tỷ won (khoảng 740 tỷ USD) và chi phí lãi vay lên tới 23.000 tỷ won. Thông qua việc được đưa vào WGBI, có nhiều ý kiến nhận định rằng Chính phủ Hàn Quốc và các công ty sẽ có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ won chi phí lãi vay hàng năm. Nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm, hiệu ứng ổn định lợi suất sẽ xảy ra trên thị trường trái phiếu ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, điều này có thể giúp giảm chi phí tài chính của các công ty.

Chính phủ nhận định việc được đưa vào WGBI sẽ nâng cao vị thế của nền kinh tế Hàn Quốc trên thị trường tài chính toàn cầu và có tác động tích cực đến uy tín của quốc gia. Trong phát biểu ngày 9/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cho rằng thị vốn của Hàn Quốc chưa được đánh giá đúng mức so với quy mô của nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới hoặc xếp hạng tín dụng quốc gia. Vì thế việc Hàn Quốc được thêm vào WGBI đồng nghĩa với việc đánh giá đúng mức thị trường trái phiếu của Hàn Quốc và có điều chỉnh phù hợp với vị thế kinh tế quốc gia.

Việc Hàn Quốc được thêm vào WGBI dự kiến cũng sẽ có tác động tích cực trên thị trường ngoại hối. Giới phân tích dự báo tỷ giá hối đoái giữa đồng won và USD sẽ giảm khi nguồn vốn nước ngoài chảy vào. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/10 đã ra thông báo cho rằng việc Hàn Quốc được đưa WGBI là sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với các nền tảng cơ bản vững chắc của nền kinh tế xứ sở Kim Chi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục