Hàng chục hộ dân sống trong nỗi lo sạt lở núi Cấm, Bình Định

17:56' - 29/08/2023
BNEWS Hai năm qua, người dân sống dưới chân núi Cấm (thôn Chánh Thánh, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định) luôn nơm nớp lo sợ tình trạng sạt lở núi mỗi khi tới mùa mưa. 
Cuối năm 2021, người dân nơi đây từng chứng kiến hiện tượng lở núi. Những tảng đá hàng nghìn tấn từ trên núi, cùng hàng trăm nghìn khối bùn, đất đổ ập vào ngôi làng ngay dưới chân núi. Vụ lở núi đe dọa sự an toàn của 117 hộ dân và làm chết nhiều gia súc, gia cầm cũng như hư hại diện tích hoa màu của bà con.

Trước vụ việc trên, năm 2022, UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Cát đầu tư khu tái định cư, di dời khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng sạt lở tại núi Cấm. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa có khu tái định cư để di dời dân.

 
Đã gần 2 năm nhưng bà Mai Thị Kim Lan ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành vẫn nhớ như in hình ảnh vụ sạt lở núi Cấm vào cuối năm 2021. Bà và người dân quanh đây đang phải sống trong nỗi lo sợ. Mỗi khi nghe mưa bão về, bà phải di dời hoặc xuống trường ở tập trung.

Cùng chung với nỗi niềm của bà Lan, ông Mai Văn Nam mong muốn, Nhà nước sớm đầu tư khu tái định cư để nhân dân có thể ra đó sinh sống ổn định.

Nỗi lo của các hộ sống dưới chân núi Cấm là có cơ sở, bởi lẽ phía trên đỉnh núi hiện còn khá nhiều tảng đá to, nguy cơ lăn xuống bất cứ khi nào.

Được biết, năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương giao UBND huyện Phù Cát đầu tư Dự án Xây dựng khu tái định cư khẩn cấp, di dời các hộ dân sống trong vùng sạt lở núi Cấm. Dự án có tổng kinh phí đầu tư 32 tỷ đồng gồm 2 hạng mục chính: Chỉnh trị dòng chảy lưu vực núi sạt lở và bố trí tái định cư di dời dân; giai đoạn thực hiện là năm 2022-2023. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành hạng mục chỉnh trị dòng chảy, chưa có khu tái định cư để dời dân…

Ông Nguyễn Quá, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phù Cát cho biết, về khu tái định cư, đơn vị đang tập trung vật tư, vật liệu, thiết bị để làm hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước và các công việc khác. Riêng công tác san nền, đơn vị đang tập trung xin tỉnh cấp phép khai thác mỏ vật liệu. Khi nào có giấy phép đơn vị tiến hành làm công tác san nền để triển khai và giao đất ngay cho nhân dân. Phấn đấu trước mùa mưa lũ 2024, cơ bản hoàn thành để người dân yên tâm sản xuất.

Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phù Cát cho biết thêm, với hạng mục chỉnh trị dòng chảy, đơn vị đã xây dựng kênh mương hướng dòng chảy ra khỏi khu dân cư dưới chân núi, điều này giúp lượng nước rút bớt và hạn chế tình trạng sạt lở núi như năm 2021. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp di dời các hộ dân sống dưới chân núi Cấm vẫn là biện pháp an toàn nhất.

Hiện những hộ dân nằm trong diện di dời vẫn chưa được chuyển đến nơi an toàn. Mùa mưa bão năm 2023 đã cận kề, các hộ dân tiếp tục sống trong cảnh thấp thỏm lo âu và mỏi được di dời đến đến nơi định cư an toàn để an tâm sinh sống, làm ăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục