Hàng hóa dồi dào dịp Tết Tân Sửu 2021

14:45' - 16/02/2021
BNEWS Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Tết Tân Sửu 2021 lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp.

Hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là đã chủ động nguồn hàng tại các địa bàn ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai trong năm 2020 và đặc biệt là kịp thời cung ứng tại các địa bàn có dịch bệnh bùng phát trở lại.
* Giá cả không nhiều biến động
Theo Cục Quản lý giá, giá cả thị trường trước Tết không có biến động lớn và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tình hình giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra và các định hướng giải pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai của các bộ, ngành.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như: rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng nhẹ theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và đã dần trở lại bình thường vào ngày mùng 4, 5 Tết.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá được giữ ổn định; đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường.
Hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; trong đó, mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường.

Trước Tết đến ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 5 - 7% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định.

Tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 13.500-13.800 đồng/kg; gạo Bắc Hương có giá 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo tám thơm Điện Biên từ 21.500 – 25.500 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 25% tấm ở mức 14.000-16.000đồng/kg, gạo thơm chợ Đào 18.000-22.000đồng/kg. Trong các ngày đầu năm, giao dịch mua bán gạo không nhiều nên mức giá không biến động.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào nhưng tăng nhẹ trong những ngày giáp Tết do sức mua tăng để phục vụ cúng Tết cũng như tiêu dùng hàng ngày.

So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 20.000 – 50.000 đồng/kg tùy từng thị trường địa phương do nhu cầu tăng; giá gà sống tăng khoảng 10.000 – 30.000 đồng/kg trong các ngày cận Tết do nhu cầu người dân tăng cao để cúng tất niên và giao thừa.

Giá lợn hơi ổn định so giai đoạn trước Tết, mặt bằng giá dao động từ 74.000-80.000 đồng/kg tùy từng địa phương kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng không có biến động lớn.
Giá thịt lợn thành phẩm tại một số chợ truyền thống chỉ tăng nhẹ  từ 5.000 – 10.000 đồng tùy từng loại vào một số ngày trước Tết song tại các siêu thị vẫn được giữ ổn định; giá phổ biến tại các miền như thịt lợn đùi 155.000-180.000đồng/kg, thịt vai 160.000-175.000đồng/kg, thịt cốt lết 154.000-160.000đồng/kg, chân giò 139.000-145.000đồng/kg, thịt nạc đùi 190.000-200.000đồng/kg, thịt ba chỉ (ba rọi) 180.000-208.000động/kg.
Trong các ngày Tết đến ngày mùng 5 giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn giữ ở mức như cận Tết và cục bộ một số chợ dân sinh có tăng giá một vài mặt hàng như thịt bò, thủy hải sản do người bán vẫn ít và dự kiến sẽ sớm trở lại ổn định sau Tết.
Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau quả nên nguồn cung khá dồi dào và ổn định, giá chỉ tăng nhẹ cục bộ trong các ngày nghỉ lễ Tết mùng 1 đến mùng 3 tại một số chợ dân sinh thành phố lớn do người bán không nhiều và nhanh chóng trở lại bình thường vào ngày mùng 4, 5 Tết.

Tuy nhiên, nhìn chung giá rau củ quả trong dịp Tết năm nay không có đột biến, thậm chí có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ các năm và so với ngày thường.
Theo Cục Quản lý giá, các mặt hàng thực phẩm chế biến có giá ổn định trước, trong và sau Tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn Tết đều có các chính sách ổn định giá cả cho các tháng trong và sau Tết.
Giá nhiều mặt hàng như: đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn, nhiều loại hàng Việt đã có thị phần lớn so với các năm trước.

Các mặt hàng này có mẫu mã bao bì chất lượng vượt trội so với các năm trước, chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng tương tự ngoại nhập.

Giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào.
Đặc biệt, trong Tết năm nay giá dịch vụ vận tải không có biến động bất thường mặc dù diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Sở Giao thông, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nhiều bến xe lượng khách vắng hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch bệnh nên học sinh, sinh viên được nghỉ Tết sớm và hầu hết đã chủ động về quê sớm.

Bên cạnh đó, người dân dễ dàng chủ động việc đi lại hơn với lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, phổ biến.
Tại một số tỉnh vào giai đoạn cao điểm Tết, một số tuyến có mức phụ thu từ 20-60% tùy từng tuyến và từng thời điểm để tăng cường chuyến và bù đắp chi phí phương tiện chạy rỗng một chiều.

Các doanh nghiệp vận tải cơ bản tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá vận chuyển hành khách đã đăng ký, kê khai đồng thời cũng tuân thủ nghiêm các chỉ đạo và nguyên tắc phòng chống dịch bệnh được đề ra.
Trong dịp Tết năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều lễ, hội, đền, chùa đã phải tạm dừng đón khách nên giá dịch vụ trông giữ xe cơ bản không có biến động bất thường.
* Điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước
Với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã có các kiến nghị các biện pháp điều hành, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng như cả năm 2021 nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Trong thời gian tháng trước Tết, Cục Quản lý giá đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với một số địa phương về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết.
Cục Quản lý giá cho biết, các địa phương đều đã triển khai rất quyết liệt về quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, tổ chức các đoàn kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý; kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Các địa phương kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng như: giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá giữ xe, giá dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ khác trong các dịp lễ, Tết...
Cục Quản lý giá nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, các lễ hội hầu như đều được tạm dừng không tổ chức, các dịch vụ hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng có những hạn chế nhất định tại những tỉnh chịu ảnh hưởng bởi dịch; do đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân sẽ chỉ tập trung ở một số mặt hàng lương thực, thực phẩm và dự báo sẽ không có biến động lớn; giá cả hàng hóa sẽ nhanh chóng trở lại mức của ngày thường.
Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết và quý I/2020, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu.

Cụ thể thực hiện  các giải pháp đã được đề ra trên nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; thận trọng trong những tháng đầu năm để tránh lạm phát kỳ vọng thời điểm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí.

Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết.
Đồng thời, kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết, trong dịp giáp hạt của người dân và các hàng hóa, vật tư y tế phòng, chống dịch.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục