Hàng không Indonesia sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đại dịch còn kéo dài

08:57' - 17/08/2021
BNEWS Một số hãng như Garuda Indonesia (GIAA), Lion Air và Batik Air đã phải rút chi nhánh ở Alice Spring hay Port Headland, Australia, cho thấy sự sa sút tài chính của các hãng hàng không.

Nhà quan sát chính sách công Indonesia Agus Pambagio đã có bài phân tích trên trang detiknews.com về những khó khăn của ngành hàng không nước này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và sự thiếu kịp thời của chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp khắc phục.

Theo ông Agus, không chỉ đối mặt với tình trạng "ế ẩm" chung của ngành hàng không thế giới, các hãng hàng không hiện nay của Indonesia (Garuda Indonesia và Citilink, Sriwijaya và NAM và Lion Air Group) còn phải đối mặt với việc gia tăng các nghĩa vụ tài chính bắt buộc cho các tổ chức tài chính/ngân hàng cả trong nước và quốc tế, chi phí thuê sân bãi,… khiến cho nhóm ngành này càng rơi vào nguy cơ phá sản.

Gần đây, một số hãng như Garuda Indonesia (GIAA), Lion Air và Batik Air đã phải rút chi nhánh ở Alice Spring hay Port Headland, Australia, cho thấy sự sa sút tài chính của các hãng hàng không.

Các hãng hàng không đã nỗ lực duy trì sự sống của ngành này khi tiến hành hàng loạt giải pháp như cắt giảm lương, sa thải nhân viên, nhưng dường như không có tác dụng đáng kể. GIAA có doanh thu ba tháng đầu năm 2021 là 353,07 triệu USD, giảm 54,03% so với cùng kỳ năm trước.

Lion Air cũng không giải quyết được khủng hoảng tài chính sau khi sa thải hơn 8.000 nhân viên và chỉ khai thác 15% công suất bay. Trong khi đó, ngành công nghiệp hàng không là một trong những lĩnh vực dễ bị tác động bởi biến động tiền tệ và giá nhiên liệu, do đó, lĩnh vực này càng dễ bị tổn thương và việc khắc phục hậu quả sẽ lâu dài.

Công tác an toàn hàng không tại Indonesia cũng là một vấn đề đặt ra trong thời kỳ đại dịch. Nhân viên và giờ bay bị cắt giảm, việc bảo trì, sửa chữa các trang thiết bị trong khoang lái, khoang hành khách hay động cơ máy bay khó có thể thực hiện theo đúng quy trình và thời gian như trước đây.

Trước đó, chính sách quản lý an toàn bay của Indonesia chưa thật mạnh mẽ khiến cho các hãng hàng không vốn đã không mạnh nay gặp đại dịch càng trở nên khó cải thiện. Trong 5 năm qua, nhiều vấn đề an toàn hàng không đã bị bỏ qua.

Agus dự báo, kết quả kiểm toán của Chương trình Kiểm toán Giám sát An toàn Toàn cầu (USOAP) kéo dài 3 năm của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đối với Indonesia trong năm nay sẽ không khả quan do có nhiều sự cố và tai nạn trên các chuyến bay.

Hơn nữa, ngành hàng không gặp khó khăn còn kéo theo các ngân hàng phải đối mặt với các khoản vay chưa thanh toán của ngành này và ngành du lịch bị đình trệ do cắt giảm giờ bay và thiếu dịch vụ.

Theo đó, ông Agus đề xuất hoạt động kinh doanh hàng không của Indonesia cần sự hỗ trợ của nhà nước càng sớm càng tốt, nhất là việc hỗ trợ giải quyết các khoản nợ đọng. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Doanh nghiệp nhà nước, Bộ Nhân lực và Bộ Tài chính nên đưa ra một lộ trình xử lý hậu quả sau đại dịch và triển khai thực hiện sớm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục