Hàng loạt ATM "nghỉ Tết" sớm, người dân "đôn đáo" chạy khắp nơi chờ rút tiền

15:44' - 22/01/2020
BNEWS Đến hẹn lại lên, dù các ngân hàng thương mại đã chuẩn bị phương án sẵn sàng phục vụ nhu cầu rút tiền mặt của người dân nhưng tình trạng "quá tải" tại các cây ATM vẫn xảy ra.
Hàng loạt ATM thông báo tạm ngưng dịch vụ. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Theo khảo sát của phóng viên trong sáng 22/1 (tức ngày 28 Tết âm lịch) tại một số điểm đặt máy rút tiền tự động ATM thuộc các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai (Hà Nội), người dân vẫn phải xếp hàng dài chờ rút tiền mặt, nhất là tại các ATM đặt ở chung cư hay tòa nhà văn phòng. Nhiều máy ATM của các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank, SeABank, ACB... bị tạm ngưng giao dịch; trong đó chỉ có vài nơi dán bảng báo lỗi hoặc chờ tiếp quỹ, còn lại hầu hết đều không có bất kỳ thông báo nào cho khách hàng.

"Tranh thủ đi rút tiền trên đường đi làm, nhưng sáng nay tôi vẫn chưa thể rút được, bởi ở đâu cũng thấy người ta xếp hàng dài. Chỗ nào thấy vắng, không có người rút thì thể nào vào tới nơi cũng thấy máy báo ngừng giao dịch. Thậm chí có máy còn chẳng có thông báo nào cho đến khi hoàn tất hết các bước đăng nhập, nhập số tiền cần rút thì mới hiện lên dòng báo lỗi, không thể rút tiền", chị Mai Trang (nhân viên văn phòng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

May mắn hơn chị Trang, anh Xuân Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi chạy vòng vòng đến 6 điểm ATM thì cũng đã rút được tiền: "Công ty tôi vừa chi lương, thưởng vào cuối tuần qua, hết hôm nay bắt đầu được nghỉ Tết nên tôi cần tiền mặt để mua sắm. Vậy mà chạy lòng vòng cả sáng, qua tới 6-7 cây ATM mới rút được tiền".

ATM vắng người hầu hết đều trong tình trạng đang bị lỗi hoặc chờ tiếp quỹ. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Liên hệ với Vietcombank, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt của ngân hàng cho biết: "Hiện tại Vietcombank có hệ thống Monitor để giám sát việc tiếp, nạp quỹ vào các máy ATM, theo đó theo dõi thường xuyên tình trạng tồn quỹ tiền mặt tại các máy, xác định tần suất tiếp quỹ, số tiền mỗi lần tiếp quỹ để có kế hoạch chuẩn bị tiền mặt phù hợp; tăng cường tần suất tiếp quỹ trong những ngày cao điểm, bố trí bộ phận thường xuyên cập nhật thông tin ATM qua email, tin nhắn SMS để theo dõi trạng thái hoạt động của từng máy, kịp thời nắm bắt các sự cố phát sinh và xử lý sự cố".

"Tại mỗi máy ATM của chi nhánh đều thiết lập đường dây nóng để khách hàng có thể liên hệ, phản ánh những vấn đề, vướng mắc phát sinh trong quá trình giao dịch. Các Trung tâm Thẻ, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, Trung tâm Công nghệ Thông tin của Vietcombank tại trụ sở chính và đối tác cung cấp dịch vụ bảo trì để xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc ATM ngừng hoạt động quá 24h", ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, trước đó, Vietcombank đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn chuẩn bị lượng tiền mặt hợp lý đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu về tiền mặt cho khách hàng trước và trong dịp nghỉ Tết qua hệ thống ATM và các quầy trực giao dịch của các đơn vị, các chi nhánh và các bộ phận liên quan. Trường hợp cần thiết có thể liên hệ các chi nhánh cùng hệ thống trên địa bàn và lân cận để chuẩn bị đủ lượng tiền dự phòng. Lượng tiền dự phòng này bao gồm cả cơ cấu mệnh giá và số lượng.

Dòng người xếp hàng chờ rút tiền. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Trong khi đó, ghi nhận tại một điểm đặt máy ATM của Agribank ở Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) trong sáng cùng ngày, lượng công nhân và người dân rút tiền tại đây lại khá thưa thớt.

Theo chị Kiều Thị Nguyệt (công nhân tại Khu công nghiệp Đình Trám), hôm nay phần lớn công nhân đã bắt đầu nghỉ Tết nên ATM cũng "dễ thở" hơn. "Mấy hôm trước dù ATM đông đúc, nhiều người đứng xếp hàng chờ rút tiền nhưng chưa thấy xảy ra lỗi hay sự cố gì, nếu có hết tiền thì cũng được ngân hàng tiếp quỹ nhanh chóng nên cũng không quá khó khăn để rút tiền", chị Nguyệt nói thêm.

Trao đổi với ông Lâm Văn Khoa – Giám đốc Chi nhánh Agribank Khu công nghiệp Đình Trám được biết, năm nay nhiều doanh nghiệp tại đây chia lương, thưởng thành nhiều kỳ để công nhân có thể rút tiền sớm, tránh quá tải các ATM dịp cận Tết. Đồng thời, chi nhánh cũng tuyên truyền tới doanh nghiệp, công nhân và người dân về việc sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử trong thanh toán hóa đơn sinh hoạt hàng ngày, mua vé máy bay, vé tàu, xe... góp phần giảm tải nhu cầu sử dụng tiền mặt.

ATM tại Khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang sáng 22/1 thưa thớt người rút tiền. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Chuyện ATM "nghỉ Tết" sớm, đồng loạt hết tiền những ngày cận Tết là tình trạng diễn ra hàng năm, nhất là sau khi các khoản lương, thưởng "đổ" về tài khoản, nhu cầu rút tiền mặt tăng cao phục vụ chi tiêu, mua sắm Tết.

Để hạn chế tình trạng này, đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn, ngay từ trước Tết dương lịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 9722/NHNN-TT yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có biện pháp phù hợp giảm tải cho máy ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng quá tải.

Theo đó, các ngân hàng chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng Tết bằng tiền mặt; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thanh toán, ngăn chặn và xử lý kịp thời các giao dịch gian lận, giả mạo, trái pháp luật…

Theo đại diện các ngân hàng, người dân nên chọn các khu vực đặt nhiều máy ATM hoặc các máy ATM đặt tại trụ sở, phòng giao dịch của các ngân hàng bởi nếu xảy ra sự cố kỹ thuật hay ATM hết tiền thì việc tiếp quỹ sẽ được xử lý nhanh chóng hơn do tránh được những yếu tố khách quan về giao thông ngày Tết. Trong giao dịch trực tuyến, người dùng cần lưu ý lựa chọn phương thức chuyển tiền qua thẻ hoặc chuyển tiền nhanh 24/7 qua tài khoản ngân hàng để chuyển tiền một cách nhanh chóng nhất./.

>>> Giảm "nghẽn" cho hệ thống ATM dịp Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục