Hàng loạt khách hàng nhận tin nhắn OTP dù không giao dịch, ngân hàng MB nói gì?

21:52' - 17/08/2020
BNEWS Bất ngờ nhận được tin nhắn báo đăng ký tài khoản online dù không hề có giao dịch nào với ngân hàng, nhiều người dùng lo lắng thông tin cá nhân của mình đã bị lợi dụng.
"Bạn đang thực hiện ĐĂNG KÝ ONLINE. Nhập OTP để xác thực giao dịch". Đây là tin nhắn mà anh N.T.T (Tây Hồ, Hà Nội) bất ngờ nhận được trong sáng qua (16/8), được gửi dưới tên MBBank.

Trước đó, TTXVN cũng nhận được phản ánh của chị N.T.L (Long Biên, Hà Nội) về việc nhận được tin nhắn tương tự.

Những khách hàng bất đắc dĩ này đều khẳng định không hề có tài khoản tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng như bất cứ giao dịch nào với ngân hàng MB nên việc nhận được tin nhắn trên khiến người dùng lo lắng rằng thông tin cá nhân của họ đã bị lợi dụng để mở tài khoản.

Trao đổi với MB về sự việc trên, đại diện ngân hàng giải thích là do "nhiều khách hàng điền nhầm số điện thoại".

Theo đó, MB đang áp dụng việc mở tài khoản online cho khách hàng thông qua ứng dụng di động (App MB). Trong các công đoạn mở tài khoản online có bước hệ thống gửi tin nhắn yêu cầu khách hàng nhập mã OTP để xác thực mở tài khoản.

"Sở dĩ xảy ra tình trạng một số khách hàng không sử dụng, không giao dịch qua tài khoản của MB nhưng vẫn nhận được tin nhắn yêu cầu nhập mã OTP xác thực tài khoản là do nhiều khách hàng điền nhầm số điện thoại của khách hàng khác", đại diện MB cho hay.

Khi đó, hệ thống MB sẽ chuyển tin nhắn OTP đến số điện thoại được điền vào. Do đó, mã OTP sẽ gửi đến số điện thoại bị người khác vô tình điền sai chứ không phải gửi đến người đang tạo tài khoản. Hay nói cách khác, người tạo tài khoản và người nhận được OTP là 2 người khác nhau nên tài khoản chưa được khởi tạo.

Băn khoăn rằng tin nhắn được gửi với tên của ngân hàng vốn có tính uy tín cao, người nhận thường sẽ không nghi nhờ. Như vậy, nếu vô tình nhập mã OTP theo hướng dẫn mà người dùng lại vướng vào một hoạt động lừa đảo hay tình huống pháp lý nào đó thì "ngân hàng liệu có chịu trách nhiệm?", anh T đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, MB cho biết đã có rất nhiều hình thức khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân như mật khẩu tài khoản, mã OTP, số chứng minh nhân dân được gửi tới khách hàng để tránh bị kẻ gian lừa đảo. "MB luôn bảo mật thông tin khách hàng an toàn", đại diện MB cam kết.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh T cho biết anh không phải người duy nhất nhận được tin nhắn trên, mà nhiều bạn bè và đồng nghiệp của anh cũng đã từng nhận được tin nhắn với nội dung tương tự. "Tuy MB giải thích lý do là điền nhầm số điện thoại nhưng không lẽ lại có nhiều sự nhầm lẫn như vậy hay quy trình mở thẻ online của MB còn quá lỏng lẻo?", anh T lo lắng.

Trước đó, anh Đ.M.H (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã từng phản ánh về việc liên tiếp nhận được các email của MB thông báo thay đổi mật khẩu tài khoản trên Internet Banking dù không sử dụng dịch vụ của ngân hàng này.

“Ngay khi nhận được email hồi tháng 2/2020, tôi đã phản ánh tới bộ phận chăm sóc khách hàng của MB. Nhân viên tiếp nhận phản ánh của ngân hàng này yêu cầu gửi thông tin, địa chỉ email và nội dung chi tiết để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, tôi không nhận được bất kỳ hồi âm nào từ phía ngân hàng và tiếp tục nhận được thông báo email đã thực hiện giao dịch tài chính online chuyển tiền tại MB,” anh Hùng nói.

Sau nhiều lần khiếu nại, phản ánh, đến tháng 7/2020, anh Hùng mới nhận được phản hồi của ngân hàng. Bà Vũ Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ khách hàng MB 247 cho biết, nguyên nhân sự việc là do một khách hàng trùng tên với anh H đã viết nhầm thông tin về địa chỉ email trong quá trình đăng ký nên toàn bộ giao dịch của khách hàng trên được chuyển đến email của anh H.

Việc người dùng lo lắng, thậm chí là hốt hoảng khi bất ngờ nhận được những tin nhắn đăng ký tài khoản online hay email thông báo giao dịch như trên là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp "kẻ gian" lợi dụng các thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng, đăng ký các khoản vay giả gây nhiều hệ lụy cho người dân.

Giới chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như số thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... cho người lạ, ngay cả khi có người tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi điện thoại yêu cầu cung cấp thông tin để tránh nguy cơ mắc bẫy lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Về phía các ngân hàng, việc đổi mới, tăng cường tính năng hữu ích, thuận tiện, nâng cao trải nghiệm của khách hàng phải đi đôi với việc đầu tư công nghệ, củng cố quản lý thông tin, bảo mật, đảm bảo an toàn cho tài khoản của khách hàng, tránh kẻ gian có cơ hội xâm nhập, đánh cắp thông tin./.

>>>Vay online: Tiền thật, hồ sơ rởm và khách hàng "chết đứng"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục