Hàng Tết sẵn sàng nhưng sức mua còn "đủng đỉnh"

10:48' - 30/12/2022
BNEWS Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, hầu hết các siêu thị, chợ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sẵn sàng nguồn hàng dồi dào để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, hầu hết các siêu thị, chợ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sẵn sàng nguồn hàng dồi dào để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, lượng khách mua sắm hiện nay còn ít, sức mua "đủng đỉnh" khiến nhiều tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh lo lắng.

 

Trước cổng chợ Đông Ba, linh vật năm 2023 đã được dựng lên và trang trí đẹp mắt cùng nhiều sắc hoa, hình ảnh tươi mới của mùa Xuân. Các gian hàng bên trong trưng bày đủ các loại hoa trang trí, bánh mứt, áo quần… đầy màu sắc, sẵn sàng phục vụ người dân đi mua sắm Tết.

Anh Đặng Thái Thịnh (du khách thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sau 3 năm trở lại Huế, anh khá bất ngờ bởi diện mạo thay đổi của chợ Đông Ba. Các lối đi rộng rãi, sạch sẽ hơn; tiểu thương rất hòa đồng, vui vẻ, mến khách và bán hàng giá cả phải chăng. Trúng dịp Tết đến nên hàng hóa bày bán rất phong phú và đẹp mắt.

Lượng khách đến chợ Đông Ba hiện nay không nhiều, chủ yếu là khách du lịch như anh Thịnh đến tham quan, mua quà lưu niệm hay đặc sản.

"Dù đã chuẩn bị hàng Tết từ lâu nhưng tôi không dám dự trữ nhiều so với các năm trước. Là một năm kinh tế khó khăn nên dự đoán sức mua sẽ bị ảnh hưởng. Khách hàng chủ yếu hiện nay là khách sỉ chứ mua lẻ thì rất ít" - tiểu thương Dương Thị Quyên, buôn bán ngành hàng bánh kẹo tại chợ Đông Ba cho biết.

40 năm buôn bán ngay cổng chính chợ Đông Ba nên chị Võ Thị Mỹ rất quan tâm đến việc cập nhật các sản phẩm mới để phục vụ người dân đến mua sắm dịp Tết. Gian hàng năm nay của chị đã có thêm một số loại bánh kẹo mới như bánh kẹo nhập khẩu (Hoa Kỳ, Nga…) và các loại kẹo hạt được đóng gói bao bì mới lạ. Chị Mỹ lo lắng chia sẻ, chuẩn bị hàng hóa kĩ lưỡng, phong phú cả tháng rồi nhưng khách đến chợ chủ yếu là tham quan mà mua hàng lại ít hơn hẳn mọi năm.

Tại siêu thị Co.opmart Huế, hàng hóa dự trữ đã khá dồi dào từ tháng 11/2022 với kế hoạch dự trữ tăng từ 30-50% so với cùng kỳ năm 2021. Đa dạng các mặt hàng thiết yếu được dự trữ như lương thực, thực phẩm khô, bánh kẹo, nước uống… Các mặt hàng tươi sống được nhập về, bày bán liên tục đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và rõ ràng nguồn gốc.

Tương tự như ở chợ Đông Ba, lượng khách mua sắm tại siêu thị vẫn không nhiều, sức mua chưa tăng. Các mặt hàng chủ yếu trong giỏ hàng của người dân dịp này là đồ dùng gia đình, thức ăn và nước giải khát phục vụ sinh hoạt thường ngày.

Chị Hoàng Ngọc Nhã Thy, Kế toán trưởng Siêu thị Co.opmart Huế cho hay, sức mua chưa nhiều nhưng vẫn hy vọng lượng khách mua sắm sẽ tăng mạnh sau ngày 15 tháng Chạp và những ngày cận kề Tết Âm lịch. Siêu thị đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng như giảm giá lên đến 50%, giao hàng miễn phí, tặng phiếu quà tặng, tích lũy hóa đơn để tri ân đối với khách hàng. Điểm nhấn là các giỏ quà Tết năm nay có sự đầu tư đóng gói cầu kỳ, đẹp mắt hơn; bao gồm nhiều sản phẩm mẫu mã tươi mới và đa dạng giá cả.

Nhờ các chính sách niêm yết giá, bán đúng giá và cam kết với nhà cung ứng về giá nên giá cả buôn bán tại chợ Đông Ba, siêu thị Co.opmart dịp này đều không có quá nhiều biến động. Người dân có thể thoải mái mua sắm Tết với hàng hóa chất lượng, giá cả phải chăng.

Bên cạnh chợ Đông Ba và siêu thị Co.opmart Huế, một số doanh nghiệp, chợ bán lẻ lớn trên địa bàn cũng đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thái Đông Anh dự trữ hàng hóa với kinh phí 35,16 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại tổng hợp Hoàng Đạt 17,85 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu Thừa Thiên - Huế 37,85 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí PV OIL miền Trung tại Thừa Thiên - Huế 84,88 tỷ đồng; chợ Tây Lộc 6,4 tỷ đồng; chợ An Cựu 6 tỷ đồng…

Trước tình hình hàng hóa ồ ạt dịp cuối năm, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tích cực kiểm tra thị trường hàng hóa và nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa qua địa bàn tỉnh để đảm bảo chất lượng hàng hóa đến người tiêu dùng.

Chỉ trong vài ngày cuối tháng 12, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hàng trăm thùng hàng thực phẩm (chả cốm, chân gà, trứng gà non, xúc xích, thịt bò…) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cùng hàng trăm sản phẩm áo quần, giày dép không rõ nguồn gốc…

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Hùng Sơn cho biết, tình trạng kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các chợ đến nay đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, hàng hóa vi phạm về nhãn, lĩnh vực giá.

Do đó, đơn vị đang triển khai đợt cao điểm tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Qua đó, tập trung dự báo, xây dựng kế hoạch giám sát và kiểm tra đột xuất, kết hợp tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và đối tượng kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục