Xây dựng sản phẩm OCOP có lợi thế, thương hiệu

16:30' - 29/12/2022
BNEWS Để phát triển sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Hưng Yên đang có những giải pháp tiếp tục xây dựng những sản phẩm OCOP có lợi thế, khẳng định thương hiệu.
Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Dự án “Hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm, kết nối kênh tiêu thụ nông sản đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tỉnh Hưng Yên với cộng đồng các nhà bán lẻ giai đoạn 2021-2025”.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, dự án này nhằm nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu, kiểm soát chất lượng và truy suất được nguồn gốc sản phẩm; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người cung ứng với thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, dự án cũng nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, kết nối với cộng đồng các nhà bán lẻ nông sản đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hưng Yên.Theo ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, dự kiến đến năm 2025, các nông sản chủ lực của tỉnh Hưng Yên được sử dụng bao bì, nhãn mác, mã số mã vạch có hệ thống truy suất nguồn gốc đạt khoảng 50% quy mô sản lượng; các sản phẩm OCOP (đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao) được sử dụng bao bì nhãn mác, mã số mã vạch có hệ thống truy suất nguồn gốc dự kiến đạt trên 50% quy mô sản lượng. Sản phẩm làng nghề có sử dụng bao bì nhãn mác, mã số mã vạch có hệ thống truy suất nguồn gốc dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 25-30% quy mô sản lượng.

Chương trình OCOP tại Hưng Yên thời gian qua đã giúp các sản vật của Hưng Yên được chắp cánh bay xa, nâng tầm giá trị. Chương trình này cũng đang phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững. Tỉnh Hưng Yên đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP phát huy thương hiệu, mở rộng thị trường.

Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 140 sản phẩm OCOP; trong đó có 115 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Sau hơn 3 năm tham gia chương trình OCOP, nhiều nông sản đặc trưng của tỉnh đã được chuẩn hoá, nâng cao chất lượng và đạt giá trị cao. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì đã được nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu.

Quả vải trứng được trồng trên đất Phù Cừ những năm gần đây đã mang lại những "mùa quả ngọt" cho bà con nông dân. Đây là giống vải có nguồn gốc từ cây vải tổ của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam. Với ưu thế chín sớm, mẫu mã đẹp, chất lượng cao, quả vải trứng đã nhanh chóng được người tiêu dùng lựa chọn. Cầu vượt cung nên diện tích trồng vải trứng nhanh chóng được mở rộng. Tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 230 ha trồng vải trứng; trong đó, xã Phan Sào Nam đến nay đã chuyển đổi hơn 125ha đất trồng lúa sang trồng vải trứng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Năm 2020, quả vải trứng của Hợp tác xã Quyết Tiến (xã Phan Sào Nam) được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hưng Yên. Đây là niềm vui lớn với người trồng vải, bởi từ đây, quả vải trứng càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và tìm mua.

Ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến cho biết, từ khi sản phẩm vải trứng được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, người trồng vải được hưởng lợi rất nhiều, giá bán sản phẩm tăng dần qua các năm. Người trồng vải cũng trách nhiệm hơn trong kỹ thuật chăm sóc để tạo ra sản phẩm tương xứng với danh hiệu. Nhờ đó, vải trứng ngày càng được nâng cao chất lượng với quy trình canh tác an toàn hướng tới hữu cơ.

Ông Mai Văn Quyết cho biết thêm, vải trứng Hưng Yên quả to, vỏ đỏ, ngọt thơm và thanh mát đặc trưng luôn được những người sành thưởng thức tìm mua. Do đó, dù quả vải trứng giá cao gấp nhiều lần so với loại vải thông thường nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, mua làm quà biếu. Vụ vải năm 2022, giá vải trứng tại đây dao động từ 110.000 đến 180.000 đồng/kg. Ngoài tiêu thụ nội địa, quả vải trứng đã được kết nối, xuất khẩu sang tiêu thụ tại thị trường EU và Nhật Bản.

Không chỉ vải trứng, nhiều sản phẩm OCOP khác của tỉnh Hưng Yên cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân. Thời gian qua, các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên luôn được các chủ thể sản xuất chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị, hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để có sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử; giá trị gia tăng của sản phẩm tham gia chuỗi liên kết với cộng đồng các nhà bán lẻ, có nhận diện tăng 15-20% so với thị trường truyền thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục