Hàng trăm doanh nghiệp tại châu Âu rơi vào tay Trung Quốc

11:35' - 16/03/2016
BNEWS Với quyết tâm đa dạng hóa đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng cường hoạt động mua bán và sáp nhập ở châu Âu.
Sân bay Toulouse-Blagnac của Pháp là một trong hàng trăm doanh nghiệp tại châu Âu rơi vào tay Trung Quốc trong một năm qua. Ảnh:parismatch.com

Số liệu thống kê của công ty luật Baker & McKenzie cho thấy, tổng vốn đầu tư trên tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp Trung Quốc vào châu Âu trong năm 2015 lên tới 23 tỷ USD - một sự bứt phá khá mạnh so với 18 tỷ USD năm 2014.

Tỷ lệ gia tăng các thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần sang tay doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Âu trong năm 2015 tăng tới 27%.

Pirelli, Club Med, sân bay Toulouse-Blagnac… chỉ là một vài tên tuổi nổi bật nhất trong số hàng trăm doanh nghiệp lớn tại châu Âu rơi vào tay Trung Quốc trong 1 năm qua.
Các ngành chính thu hút tới 78% số vốn Trung Quốc vào châu Âu là công nghiệp ô tô (7,8 tỷ USD), bất động sản và khách sạn (6,4 tỷ USD), công nghệ thông tin và truyền thông (2,4 tỷ USD). Những số tiền này chủ yếu tập trung vào một số dự án lớn.
Năm 2015, nổi bật nhất là thương vụ tập đoàn ChemChina mua lại hãng sản xuất lốp xe nổi tiếng Pirelli của Italy, qua đó, Italy đã truất ngôi Anh trở thành quốc gia châu Âu tiếp nhận vốn đầu tư Trung Quốc nhiều nhất với 7,8 tỷ USD, tăng 119% so với năm 2014.

Ngược lại, Anh ghi nhận sự giảm sút 35%, chỉ thu hút được 2,3 tỷ USD, so với 5 tỷ USD trong năm trước.

Mặc dù là cường quốc kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức chỉ đứng thứ 5 xét theo độ hấp dẫn đối với đầu tư Trung Quốc, với khoảng 1,3 tỷ USD.

Nguồn vốn này phân bổ một cách khá đồng đều cho nhiều lĩnh vực: cơ sở hạ tầng và vận tải (30%, tương đương 385 triệu USD), chế tạo máy và thiết bị công nghiệp (25%, tương đương 320 triệu USD), tiếp theo là ô tô (15%, 195 triệu USD).

Pháp đã vượt trên Đức khi đầu tư của Trung Quốc vào Pháp tăng vọt 160% lên 3,6 tỷ USD, vươn lên đứng thứ hai châu Âu, nhờ vào một số thương vụ lớn như tập đoàn Fossun mua hãng du lịch ClubMed (939 triệu euro), Jin Jiang mua tập đoàn khách sạn Louvre Hotels Group (1,3 tỷ euro) hồi đầu năm 2015.

Jin Jiang đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt tới ngành du lịch Pháp không chỉ qua thương vụ này. Hãng này đã nâng tỷ lệ vốn sở hữu trong tập đoàn khách sạn AccorHotels lên 11,7%.

Ngoài khách sạn, lĩnh vực hạ tầng vận tải cũng là một điểm đến hấp dẫn: Chính phủ Pháp đã bán 49,9% cổ phần sân bay Toulouse-Blagnac cho tổ hợp Symbiose.

Tiếp đến là công nghiệp ô tô, thu hút 122 triệu euro (3% tổng số vốn). Nếu tính trong giai đoạn 2000-2015, Pháp đứng thứ ba châu Âu với 11,6 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc.

Trong 15 năm qua, doanh nghiệp Trung Quốc đã cố gắng cân bằng số vốn vào châu Âu và Mỹ. Từ năm 2000, đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài đã đạt 205 tỷ USD, trong đó 108 tỷ USD vào Bắc Mỹ và 97 tỷ USD vào châu Âu.

Các doanh nghiệp tư nhân quan tâm tới Bắc Mỹ nhiều hơn, trong khi các tập đoàn nhà nước lựa chọn châu Âu (chiếm 65% tổng vốn đầu tư năm 2015).

Mức vốn đầu tư có sự khác biệt giữa hai thị trường: 30% các thương vụ hơn một tỷ USD là đầu tư vào Mỹ, trong khi 56% là vào châu Âu. Các lĩnh vực đầu tư cũng không giống nhau, chẳng hạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại châu Âu hút vốn nhiều gấp ba so với Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục