Mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc có vẻ "mềm" hơn

10:29' - 16/03/2016
BNEWS Lần đầu tiên Trung Quốc xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng hình thức phạm vi biên độ dao động trong khoảng 6,5 - 7% tại kỳ họp thứ tư Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XII.

Lâu nay, Chính phủ Trung Quốc thường dùng "con số cụ thể" để xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, từ năm 1999, cụm từ "khoảng" bắt đầu được sử dụng, tạo nên tính linh hoạt cho mục tiêu tăng trưởng.

Các chuyên gia chỉ rõ, mục tiêu "phạm vi" sẽ phù hợp với quy luật kinh tế hơn và có lợi cho việc phát huy vai trò chủ thể của thị trường. 

Lần đầu tiên Trung Quốc xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng hình thức phạm vi biên độ dao động trong khoảng 6,5 - 7%. Ảnh: BNEWS

Trong Báo cáo công tác Chính phủ đọc trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc từ 6,5 - 7%.

Mục tiêu phạm vi tăng trưởng này tuy "đổi số nhưng không mất đi tốc độ", vừa cân nhắc đến "tính cần thiết" của việc hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, cũng đã cân nhắc đến "tính hợp lý" trong tăng thêm cường độ cải cách mang tính kết cấu.

Báo cáo của Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất, cần phải đảm bảo đến năm 2020 thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thực hiện tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010.

Theo các nhà quan sát, việc đề ra mục tiêu "phạm vi" tăng trưởng kinh tế đã nói lên Trung Quốc đang tìm kiếm "điểm giao thoa vàng" giữa duy trì mức tăng hợp lý với thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp mô hình, nhằm đẩy nhanh cải cách mang tính kết cấu, ra sức nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả và nâng cấp mô hình, trong khi duy trì kinh tế tăng trưởng trong phạm vi hợp lý, bảo đảm tạo việc làm tương đối đầy đủ.

Dự kiến, muốn thực hiện mục tiêu "tăng gấp đôi" này, thì mức tăng kinh tế trung bình mỗi năm trong 5 năm tới của Trung Quốc phải đạt ít nhất trên 6,5%, mức tăng thu nhập trung bình hàng năm của người dân thành thị và nông thôn cả nước không thấp hơn 5,8%.

Với vai trò nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kinh tế Trung Quốc đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng cao và nhanh trong mấy chục năm qua sang trạng thái phát triển "bình thường mới".

Với GDP năm 2015 đạt trên 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 14% GDP thế giới, kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng 6,9%.

Người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) Từ Thiệu Sử khẳng định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chắc chắn sẽ không “hạ cánh cứng”.

Ông Từ Thiệu Sử tin tưởng bộ máy lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng điều hành nền kinh tế tăng trưởng trong một biên độ hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục