Hàng tỷ người trên thế giới sống trong cảnh thiếu nước sạch

10:26' - 13/07/2017
BNEWS Cứ 10 người trên thế giới thì có 3 người không được tiếp cận nguồn nước an toàn và sẵn có tại nhà và cứ 10 người thì có gần 6 người thiếu hệ thống vệ sinh được quản lý an toàn.

Theo báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đồng thực hiện, có 3/10 người trên thế giới không được tiếp cận nguồn nước an toàn và sẵn có tại nhà và cứ 10 người thì có gần 6 người thiếu hệ thống vệ sinh được quản lý an toàn. Trong bối cảnh đó, hai cơ quan trực thuộc LHQ này kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người.
Báo cáo có tên "Những tiến bộ trong lĩnh vực cung cấp nước và đảm bảo vệ sinh: Bản cập nhật năm 2017 và các Mục tiêu Phát triển bền vững", nhiều hộ gia đình, cơ sở y tế và trường học thiếu xà phòng và nước để rửa tay, khiến cho sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em - có nguy cơ mắc các chứng bệnh chết người.
Trong thông cáo báo chí công bố báo cáo trên, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh: "Nước sạch, vệ sinh tại nhà không phải là đặc quyền chỉ dành cho những người giàu có hoặc sống ở các trung tâm đô thị". Ông lưu ý rằng những người sống ở nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Do thiếu các dịch vụ cơ bản, hàng triệu người mắc những chững bệnh đáng ra có thể dễ dàng tránh được, như bệnh tiêu chảy, mỗi năm cướp đi sinh mạng của 361.000 trẻ em dưới 5 tuổi.
Về phần mình, ông Anthony Lake, Giám đốc điều hành UNICEF, nói: "Nước sạch, vệ sinh an toàn là yếu tố quan trọng thiết yếu đối với sức khỏe của mọi trẻ em và mọi cộng đồng. Đây cũng là chìa khóa để xây dựng những xã hội khỏe hơn, mạnh hơn và công bằng hơn".
Giữ gìn vệ sinh là một trong những biện pháp đơn giản nhất và hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của những căn bệnh như tiêu chảy, bệnh tả, bệnh lỵ, viêm gan A và bệnh thương hàn.

Tuy nhiên, những phát hiện của báo cáo nêu trên cho thấy tỷ lệ dân được tiếp cận nước và xà phòng để rửa tay tại 70 quốc gia cung cấp dữ liệu đứng ở những mức rất chênh lệch nhau, từ mức chỉ có 15% tại châu Phi nam Sahara đến 76% ở vùng Tây Á và Bắc Phi.

Những sự chênh lệch đáng kể này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tiến trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là mục tiêu số 6 về việc đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch và bền vững cho tất cả mọi người trên thế giới.
Dựa trên những số liệu nêu trên, WHO và UNICEF cảnh báo có tới 90 quốc gia trên thế giới đang tiến triển rất chậm chạp trong việc cải thiện mạng lưới vệ sinh cơ bản, "đồng nghĩa với việc sẽ không đạt được mục tiêu số 6 vào năm 2030".
Theo báo cáo, trong số 2,1 tỷ người không có nguồn nước được quản lý an toàn, có 844 triệu người thậm chí không được tiếp cận nước sạch “cơ bản”. Con số này bao gồm 263 triệu người phải dành tới hơn 30 phút cho mỗi chuyến lấy nước từ địa điểm xa nhà, và 159 triệu người vẫn phải uống nước chưa được xử lý từ những nguồn nước lộ thiên như hồ hay kênh rạch.
Ngoài ra, trong số 4,5 tỷ người không có hệ thống vệ sinh được quản lý an toàn, có 2,3 tỷ người vẫn không có các dịch vụ vệ sinh cơ bản, trong đó có gần 600 triệu người phải dùng chung nhà vệ sinh với các hộ gia đình khác, và 892 triệu người - hầu hết ở vùng nông thôn - phải đi vệ sinh ở ngoài trời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục