Hàng xuất khẩu Việt Nam trước xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại của Mỹ

15:32' - 05/10/2023
BNEWS Việc Mỹ gia tăng áp dụng phòng vệ thương mại nói chung và với hàng hóa Việt Nam nói riêng đã khiến việc nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này ngày càng khó khăn.

Phóng viên thường trú của TTXVN tại Washington, D.C đã có cuộc trao đổi với Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng về xu hướng này.

Theo Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu gần đây đạt trên 3.000 tỷ USD mỗi năm. Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), trong nửa đầu năm nay, Mỹ nhập siêu khoảng 500 tỷ USD.

Số liệu trên cho thấy thị trường Mỹ có sức hấp dẫn rất lớn và là mục tiêu của các nhà xuất khẩu trên toàn thế giới, song Mỹ cũng là một thị trường rất khắt khe với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn cao đối với nhiều mặt hàng.

 

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cho biết, Mỹ đang có xu hướng áp dụng ngày càng nhiều biện pháp cản trở nhập khẩu với mục đích bảo hộ sản xuất trong nước như các hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, thường xuyên bổ sung các quy định mới, tăng mạnh các cuộc điều tra và sau đó là áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh... khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này ngày càng khó khăn. Nhằm giảm nhập siêu với các nước, trong đó có Việt Nam, Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục áp dụng ngày càng nhiều biện pháp bảo hộ.

Tính đến hết tháng 5/2023, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 55 vụ, chiếm khoảng gần 25% tổng số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, máy xịt rửa áp lực cao,… đến các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt,...

Gần đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, với chính sách hướng về người lao động cũng như tăng cường cạnh tranh với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cũng như duy trì cán cân thương mại hài hòa, bền vững giữa Việt Nam và Mỹ, trong nhiều khuôn khổ gặp song phương giữa Lãnh đạo Bộ Công Thương và đối tác Mỹ như: Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), DOC, Bộ Công Thương đã đề nghị DOC tiến hành các vụ việc điều tra với Việt Nam trên cơ sở khách quan, công bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có đủ thời gian giải trình và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để chứng minh.

Trong trường hợp DOC quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, đề nghị Mỹ có cơ chế đơn giản, thuận tiện cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam xác nhận không vi phạm các biện pháp PVTM để không tạo thêm gánh nặng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam có các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp, theo dõi sát diễn biến tình hình, tiếp cận, xử lý vấn đề linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết để bảo vệ lợi ích tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Bộ Công Thương là đầu mối đối với các vụ việc PVTM. Tuy nhiên, trong các vụ kiện PVTM, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, mang tính quyết định đến cái kết của vụ việc.

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng đưa ra một số khuyến nghị để các doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi tham gia xuất khẩu tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt cần trang bị, cập nhật kiến thức về các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói chung và Mỹ nói riêng. Hiện nay, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về nội dung phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, thu thập thêm thông tin.

Thứ hai, cần xây dựng mối quan hệ, tham gia, hợp tác các hiệp hội liên quan tại Mỹ như Hiệp hội xuất nhập khẩu để có thêm thông tin, tăng cường trao đổi, tránh việc các doanh nghiệp Mỹ khởi kiện. Và cuối cùng phải thường xuyên trao đổi với các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện về tình hình, diễn biến xuất khẩu, nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt khi vụ việc xảy ra để có thể xây dựng phương án xử lý kịp thời.

Trên đây là những vấn đề cơ bản về khung pháp lý cho PVTM và một số điểm mà Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng lưu ý để các doanh nghiệp Việt có thể hạn chế được xu hướng gia tăng áp dụng các biện pháp PVTM của Mỹ đối với các mặt hàng mà Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục