Hành động để chống "ô nhiễm trắng" -Bài 4: Bài học từ Nhật Bản

09:30' - 01/08/2019
BNEWS Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Nhật Bản là nước có lượng rác thải nhựa bình quân đầu người lớn thứ 2 thế giới.

Hiện tại, lượng rác thải nhựa được thải ra mỗi năm ở nước này vẫn cao hơn nhiều so với năng lực của các cơ sở xử lý rác. Vì vậy, nhiều năm qua, Tokyo đã phải xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan để tái chế.

Tuy nhiên, các nước nhập khẩu đã bắt đầu “đóng cửa” với rác thải nhựa do lo ngại về các vấn đề môi trường. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản phải đồng thời tiến hành ba giải pháp: giảm rác thải nhựa, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý rác mới và tăng cường nghiên cứu các vật liệu mới thay thế nhựa.
* Cửa xuất khẩu hẹp dần
Để hạn chế tác động của rác thải nhựa tới môi trường, Nhật Bản đã ban hành nhiều quy định về thu gom và xử lý rác nói chung và rác thải nhựa nói riêng, trong đó Luật tái chế một số đồ gia dụng và Luật thúc đẩy việc phân loại, thu gom, tái chế hộp và bao bì.

Nhật Bản đã ban hành nhiều quy định về thu gom và rác thải nhựa. Ảnh: Đào Tùng/TTXVN


Cùng với ý thức của người dân, các quy định này đã góp phần giúp cho việc thu gom và phân loại rác thải nhựa tại nguồn ở Nhật Bản được thực hiện rất tốt và khoa học.
Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, đối với rác thải sinh hoạt, trước khi vứt rác, người dân phải phân loại rác thành 5 loại: rác đốt được (như thực phẩm thừa, quần áo, giày dép, các sản phẩm làm từ nhựa không thể tái chế như đĩa CD); rác không đốt được (như các đồ làm bằng thủy tinh, đồ điện gia dụng có kích thước nhỏ như bàn là, máy sấy), rác có thể tái chế (như bình nhựa PET, vỏ hộp); rác có kích thước lớn (như bàn ghế, giường tủ, chăn đệm) và rác điện gia dụng (như tivi, tủ lạnh, máy giặt).

Ba loại rác đầu tiên không mất phí khi "xả" thải. Riêng rác có kích thước lớn và đồ điện gia dụng phải mất phí. Mỗi loại rác có thời gian và cách thức thu gom riêng. Sau khi phân loại, rác sẽ được tập kết tại một điểm quy định trong khu dân cư và sau đó được chuyển tới các trung tâm liên quan để xử lý.
Mặc dù việc phân loại rác thải nhựa nói riêng và rác nói chung được thực hiện rất khoa học, nhưng vấn đề đối với Nhật Bản hiện nay là làm thế nào để xử lý 9 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó có 7 triệu tấn rác thải nhựa công nghiệp và 2 triệu tấn rác thải nhựa sinh hoạt từ các hộ gia đình.

Cùng với việc xử lý bằng cách tái chế, đốt, chôn lấp, trong thời gian qua, Nhật Bản đã xuất khẩu sang các nước khác để tái chế.
Hiện nay, mỗi năm, Nhật Bản xuất khẩu từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn rác thải nhựa sang các nước khác để tái chế, trong đó năm 2016 là 1,5 triệu tấn và năm 2017 là khoảng 1,43 triệu tấn. Trước năm 2017, điểm đến của phần lớn số rác thải nhựa này là Trung Quốc.

Tuy nhiên, tháng 12/2017, nước láng giềng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa phi công nghiệp và hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa công nghiệp do lo ngại về các vấn đề sức khỏe và môi trường do rác thải nhựa gây ra.

Kết quả là theo Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES), năm ngoái, xuất khẩu rác thải nhựa của Nhật Bản giảm 30% so với năm 2017 xuống còn 1,01 triệu tấn, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, từ 1,02 triệu tấn năm 2017 xuống còn 100.000 tấn.
Khi Trung Quốc "đóng cửa" với rác thải nhựa, Nhật Bản đã chuyển hướng xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước khác như Malaysia, Thái Lan... Nhưng cũng giống như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đã "để mắt" tới vấn đề này và bắt đầu siết chặt quản lý nhập khẩu rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, với việc các thành viên tham gia Công ước Basel đã nhất trí bổ sung rác thải nhựa vào danh mục các phế thải nguy hiểm và lệnh cấm xuất nhập khẩu mặt hàng này sẽ có hiệu lực từ năm 2021, việc xuất khẩu rác thải nhựa của Nhật Bản, một nước tham gia tích cực vào Công ước Basel chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, trong tương lai, cùng với các nỗ lực giảm rác thải nhựa, Nhật Bản sẽ phải xử lý loại rác này ở trong nước.
*Dựa vào nội lực
Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản chủ yếu xử lý rác thải nhựa theo các phương pháp như chôn lấp, đốt hoặc tái chế bằng các công nghệ thô sơ. Kể từ những năm 1960, Nhật Bản đã bắt đầu xử lý rác đô thị, trong đó có rác thải nhựa bằng cách đốt trong các lò đốt công nghiệp. Cùng với thời gian, số lượng các lò đốt rác ở Nhật Bản đã tăng dần.

Trong tài khóa 2011, nước này có 1.211 lò đốt rác sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như lò đốt (stoker furnace), lò hơi (fluidized bed furnace) và lò khí hóa-tan chảy (gasification-melting furnace), trong đó các lò đốt chiếm khoảng 70%.

Nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản đã nghiên cứu và cải tiến các lò đốt rác kết hợp sản xuất điện. Ảnh: Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)

Để tận dụng nhiệt lượng trong quá trình đốt rác, nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản đã nghiên cứu và cải tiến các lò đốt rác kết hợp sản xuất điện. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, nước này hiện có khoảng 380 cơ sở như vậy, chiếm 30% trong tổng số các cơ sở xử lý rác.
Mặc dù vậy, một nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, việc đốt rác thải nhựa là một giải pháp gây lãng phí, đồng thời có thể tiềm ẩn các nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc tái chế rác thải nhựa được coi là giải pháp thân thiện với môi trường và bền vững nhất.

Trong những năm cuối của thế kỷ 20, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu các phương pháp xử lý và tái chế rác thải nhựa. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp ở nước này sở hữu các công nghệ tái chế rác thải nhựa tiên tiến nhất thế giới. Tập đoàn Panasonic là một trong những doanh nghiệp như vậy.
Được thành lập vào năm 1918, Panasonic đang sở hữu nhiều công nghệ xử lý rác thải nhựa khá hiệu quả. Năm 2008, tập đoàn này đã hợp tác với Công ty TNHH Điện Kasatsu để phát triển phương pháp mới cho phép tái chế nhựa sử dụng trong các thiết bị điện và điện tử mà không tạo ra các khí thải hay sản phẩm độc hại.

Đây là sự kết hợp của công nghệ xử lý nhựa không cần đốt của Công ty Điện Kusatsu và công nghệ phục hồi vật liệu mà Panasonic đang sử dụng để tái chế các đồ điện gia dụng cũ.
Phương pháp trên sử dụng các đặc tính xúc tác của TiO2 để thúc đẩy việc phục hồi các chất vô cơ như kim loại bằng cách chuyển các chất hữu cơ như nhựa thành các loại khí vô hại.

Quy trình tái chế các bộ phận nhựa trong máy giặt ở PETEC. Ảnh: Đào Tùng/TTXVN

Panasonic đã sử dụng phương pháp tái chế này tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Panasonic (PETEC) ở tỉnh Hyogo để xử lý các loại tivi sử dụng bóng đèn hình (CRT) sau khi nước này chuyển từ công nghệ truyền hình analog sang truyền hình kỹ thuật số.

Theo Panasonic, nhờ công nghệ này, khoảng 80% trọng lượng của tất cả các đồ điện gia dụng được tái chế thành kim loại và nhựa nguyên liệu. 20% trọng lượng còn lại là rác không thể tái chế như cao su, thủy tinh hỗn hợp và rác thải nhựa hỗn hợp rất khó có thể phân loại thêm bởi vì chúng chứa rất nhiều loại nhựa thông hoặc kim loại.

Panasonic cho biết phương pháp trên không chỉ giúp xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng mà còn giúp giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường bởi nó hầu như không sử dụng các nguồn năng lượng bên ngoài trong quá trình khí hóa.
Năm 2010, PETEC tiếp tục giới thiệu công nghệ có thể đồng thời phân loại rác thải nhựa thành ba loại, gồm PP, PS và ABS để tái chế một cách phù hợp. Các rác thải nhựa được xử lý nhanh hơn gấp 3 lần so với các phương pháp thông thường và được tái chế với độ tinh khiết hơn 99%.
Mặc dù sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến về xử lý rác, nhưng số lượng rác thải nhựa được thải ra mỗi năm vẫn cao hơn nhiều so với năng lực của các cơ sở xử lý rác ở nước này.

Vì vậy, theo các chuyên gia, Nhật Bản phải đồng thời tiến hành 3 giải pháp: giảm lượng rác thải nhựa, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý rác mới và tăng cường đầu tư nghiên cứu các vật liệu mới thay thế nhựa.
Trong nỗ lực xử lý vấn đề rác thải nhựa, ngày 31/5, Chính phủ Nhật Bản đã công bố chiến lược mới nhằm giảm rác thải nhựa tại nước này.

Theo đó, Tokyo đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm 25% rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035 tái chế hoặc tái sử dụng 100% rác thải nhựa, bao gồm cả vật liệu được sử dụng trong các thiết bị điện và phụ tùng ô tô.

Chiến lược này cũng yêu cầu các nhà bán lẻ không phát túi ni lông miễn phí cho người tiêu dùng và kêu gọi khách hàng sử dụng túi ni lông làm từ vật liệu dễ phân hủy.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải nhựa, Bộ Môi trường đang cân nhắc tăng trợ cấp cho các nhà máy xử lý rác thải nhựa và nới lỏng các quy định về xây dựng các cơ sở xử lý rác thải.
Về phía các doanh nghiệp, để góp phần thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các sáng kiến để hạn chế và tiến tới không sử dụng nhựa hoặc sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm.

Chẳng hạn, năm 2018, Asahi Soft Drinks Co. đã bắt đầu bán chai nước và trà không có nhãn mác bằng nhựa trên mạng Internet hoặc giao trực tiếp cho khách hàng. Ito En Ltd. đã bắt đầu sử dụng các chai nhựa hai lít có trọng lượng nhẹ hơn 30% so với các phiên bản trước đó để đựng trà lúa mạch kể từ tháng 2/2019.

Công ty sản xuất đồ uống Suntory Holdings Ltd. đã lên kế hoạch sử dụng nhựa tái chế hoặc các chất tổng hợp có nguồn gốc từ thực vật để sản xuất chai nước vào năm 2030.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất để giảm rác thải nhựa ở Nhật Bản là phải nâng cao ý thức của người tiêu dùng về vấn đề này. Chính người tiêu dùng mới là những người quyết định liệu có thực sự giảm được rác thải nhựa hay không./.
Xem thêm:

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng": Bài 1 - Thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanh

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 2: Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 3: Rác thải nhựa – Vấn nạn toàn cầu

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài cuối: Refill bán hàng không xả rác thải nhựa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục