Hành trang của Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á sắp tới

12:10' - 03/10/2017
BNEWS Theo báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore có chi nhánh tại Hong Kong, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tới thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến châu Á và lần lượt hội đàm với các nhà lãnh đạo 3 nước Đông Bắc Á kể từ sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ông Trump cũng để ngỏ khả năng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Philippines và Hội nghị Cấp cao APEC ở Việt Nam.

Sau khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã tiếp tục quán triệt thực hiện triết lý chính trị “Nước Mỹ trên hết” ở phạm vi nội bộ nước Mỹ và trên toàn cầu.

Khi đến thăm Trung Đông và châu Âu, ông Trump đã không thể hiện chiến lược và biện pháp ngoại giao quốc tế rõ ràng. Đối với khu vực châu Á, cho đến nay, ông Trump vẫn chưa vạch ra một kế hoạch chiến lược rõ ràng.

Nếu dự đoán thông thường, chương trình hội đàm trong chuyến đi châu Á sắp tới của Trump sẽ tập trung vào vấn đề thương mại, cũng như làm thế nào để ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, trong đó chắc chắn sẽ tiếp tục tăng áp lực đối với Trung Quốc để thúc giục Bắc Kinh thực hiện nghiêm túc lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, bao gồm ngừng cung cấp lương thực và dầu mỏ cho Triều Tiên.

Tại cuộc hội đàm nguyên thủ Hàn-Mỹ, trọng tâm thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề: xác định đối sách với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ, chia sẻ kinh phí đồn trú của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc….

Việc hai bên có thảo luận về tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hay không cũng sẽ được dư luận quan tâm.

Chính vào thời điểm ông Trump tuyên bố khởi động chuyến thăm ngoại giao châu Á, sáng 15/9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm trung (IRBM) vào biển Thái Bình Dương và bay qua lãnh thổ Nhật Bản, hành động khiêu khích này khiến cục diện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang. 

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thề sẽ "ngang vai ngang vế" với Mỹ trong vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi lập trường của Trung Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân là rất cứng rắn, cho rằng Mỹ nên làm nhiều hơn chứ đừng đẩy trách nhiệm cho Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ bất đồng nghiêm trọng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chính vì vậy,  khi ông Trump đến Trung Quốc và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, ông sẽ lấy phương thức gì để đối thoại và đưa ra yêu cầu mới gì đối với Trung Quốc là điều dư luận đang rất quan tâm.

Ông Trump trước đây đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về chính sách thương mại và tỷ giá, đồng thời kiên trì vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông, bên cạnh đó còn cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ quốc phòng với Nhật Bản trên cơ sở đồng minh Mỹ-Nhật.

Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã cản trở nỗ lực cùng đẩy mạnh sự phát triển tự do hoá thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của các nước. Lập trường của D. Trump về việc Mỹ rút khỏi TPP là rất kiên quyết, vì vậy nếu dư luận cho rằng sau chuyến thăm châu Á sắp tới, ông Trump có thể thay đổi lập trường của mình là điều không thực tế.

Bên lề một diễn đàn các nhà đầu tư tổ chức tại Hong Kong gần đây, cựu chiến lược gia trưởng của D. Trump, ông Bannon tiết lộ rằng Mỹ sẽ công bố kết quả cuộc điều tra liên quan Điều 301 chống lại Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Trump đến Bắc Kinh, kết quả điều tra liên quan có thể sẽ gây bất ổn quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, khiến cho bất đồng giữa hai bên trong vấn đề kiểm soát Triều Tiên và vấn đề Biển Đông ngày càng lớn hơn.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp nhau hai lần, dự kiến lần gặp tới hai bên sẽ thảo luận xung quanh việc tăng cường hợp tác về ngoại giao và quốc phòng, tìm kiếm sự ổn định và an ninh của khu vực trên cơ sở đồng minh Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, việc D. Trump chủ trương chủ nghĩa bảo hộ về kinh tế sẽ là vấn đề mà Nhật Bản sẽ tiếp tục phải đối mặt, thậm chí có thể phải đối mặt với các yêu cầu thương mại nghiêm ngặt hơn mà Mỹ đưa ra cho Nhật Bản, mà việc hạn chế xuất khẩu ôtô sang Mỹ là một trong số những yêu cầu đó.

Sau khi tuyên bố rút khỏi TPP, Mỹ cũng muốn triển khai đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đường hướng chống toàn cầu hóa của ông Trump khiến cho các nước cảm thấy lo ngại và đứng trước khó khăn, buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh. 

Việc ông Trump - vốn xuất thân là một thương gia lần đầu tới thăm châu Á rốt cuộc sẽ mở ra phương hướng chiến lược như thế nào, cũng như sẽ đưa ra thông tin ra sao về việc củng cố chính sách ngoại giao châu Á của mình, các nước châu Á đều đang chờ đợi và cũng có phần kỳ vọng vào chuyến đi lần này của D. Trump.

Chủ nghĩa “ưu tiên nước Mỹ” đã phủ bóng đen lên chính sách ngoại giao của D. Trump, đồng thời cũng dẫn đến khả năng thay đổi mô hình khu vực ở châu Á. Đứng trước tình hình và các chương trình nghị sự phức tạp trong khu vực, D. Trump sẽ buộc phải thận trọng về chuyến đi châu Á sắp tới nhằm mở đường cho việc thúc đẩy “ngoại giao thương mại”.

Do tuần tự và lịch trình thăm 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa được tiết lộ, nên các nước châu Á vẫn giữ quan điểm thận trọng về kết quả chuyến thăm lần này và dự đoán cũng sẽ không thể quá kỳ vọng vào việc có thể vạch ra được biện pháp để giải quyết tận gốc vấn đề hạt nhân Triều Tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục