Hành trình 20 năm của dòng vốn tín dụng chính sách

07:30' - 04/10/2022
BNEWS Câu chuyện “cõng” vốn lên bản, hay miệt mài theo những chiếc ghe mang vốn cho bà con vùng nước ngập là một phần dấu ấn lịch sử gắn với dặm dài hành trình khai mở tín dụng chính sách.

Chính thức ra đời và đi vào hoạt động ngày 4/10/2002. Hành trình 20 năm làm “cánh tay nối dài” của Chính phủ mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầy gian khó, thấm đẫm những giọt mồ hôi và đôi khi có cả nước mắt của hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên, người lao động trong hệ thống.

Song, nhiều hơn cả là những nụ cười, những niềm vui đong đầy khi nhìn đồng vốn mỗi ngày đơm hoa kết trái ngọt cho đời, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với muôn nhà.

 
 

20 năm trôi qua tưởng xa xôi nhưng trong mắt những người lãnh đạo tiên phong của NHCSXH, những trải nghiệm khó khăn ngày đầu thành lập ấy mà ngỡ như mới hôm qua. 

Đội ngũ nhân lực thiếu và chắp vá sau khi tách ra từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra thách thức rất lớn cho toàn hệ thống đối với trọng trách và sứ mệnh cao cả mà Chính phủ trao cho Ngân hàng chuyên biệt phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đầu năm 2002 riêng hộ nghèo chiếm tới gần 30% tổng hộ dân trên toàn quốc. Địa bàn phục vụ phần lớn tập trung ở những nơi đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Không chỉ ở những xã miền núi chưa có đường ô tô đến được trụ sở UBND xã, tỷ lệ từ 30% - 80%, mà văn hóa còn khác biệt của 54 dân tộc cùng những tập quán sản xuất tự cung, tự cấp, ăn sâu bám rễ nhiều đời ở các địa phương, khiến nhiệm vụ “đem tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ” không dễ dàng.

Bởi vậy, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội CCB và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vận hành phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù với sự ủy thác một số nội dung công việc. 

NHCSXH đã nhiều lần cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác củng cố hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm vay vốn, để làm tốt nhất công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn vay vốn, thay đổi tư duy phát triển kinh tế, lồng ghép nguồn vốn chính sách cùng các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.

Quan trọng hơn là giám sát đồng vốn, sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích và thu hồi vốn để kịp thời chuyển dòng vốn ngày càng sâu rộng đến các đối tượng khác được thụ hưởng bình đẳng.

Tại nhiều địa phương, cán bộ tín dụng NHCSXH đã trở thành một trong những lực lượng chủ chốt tiên phong, đặt chân đến những vùng đất khó khăn nhất, cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương hỗ trợ bà con làm kinh tế giảm nghèo.

Câu chuyện “cõng” vốn lên bản, hay miệt mài theo những chiếc ghe mang vốn cho bà con vùng nước ngập mặc dù bây giờ đã không còn, song đó là một phần dấu ấn lịch sử gắn với dặm dài hành trình khai mở tín dụng chính sách.

Điểm giao dịch xã với ngày giao dịch cố định hằng tháng là một sáng kiến mang tính đột phá riêng có của NHCSXH, một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, để đưa tín dụng chính sách đến người dân kịp thời theo phương châm “Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Nhưng để có những phiên giao dịch “đến hẹn lại lên” cũng ẩn chứa không ít hy sinh lớn lao của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong hệ thống. 

Khi nhiều cán bộ dù ở huyện cách nhà vài chục cây số nhưng cả tháng không có thứ bẩy, chủ nhật về với gia đình vì trùng vào phiên giao dịch tại xã. Những cán bộ tăng cường, luân chuyển công tác, câu chuyện vài tháng về nhà cũng không hiếm gặp! Chưa kể, công tác kiểm tra giám sát hộ vay hàng ngày đơn phương cùng chiếc xe máy băng qua khắp làng quê đồi núi cho dù thời tiết bất lợi, mưa hay nắng...

Thế nhưng, chưa cán bộ NHCSXH nào từ chối khi được phân công hay rời công tác vì khó khăn. Thậm chí năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng trong cả nước, nhiều cán bộ tăng cường tại các tỉnh phía Nam gần như cả năm không về nhà.

Thời điểm đó, cả nước thực hiện giãn cách xã hội với việc ai ở đâu, ở yên đó không về được, sau này khi bước vào giai đoạn sống chung với dịch có thể về, họ lại cam tâm ở lại để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, hay triển khai nhanh các chính sách tín dụng của điạ phương hỗ trợ lao động hồi hương.

Đặt biệt, trong bối cảnh phát triển nhanh và mạnh của kinh tế đất nước, sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế năm 2007, để không ai bị bỏ lại phía sau và rút ngắn khoảng cách thu nhập và phát triển của người nghèo so với các đối tượng khác, Chính phủ đã 5 lần nâng chuẩn hộ nghèo, cũng như mở rộng các đối tượng đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập. 

Trong bối cảnh gánh vác trách nhiệm ngày càng lớn ấy, NHCSXH không chỉ phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của Chính phủ, thực thi các chính sách tín dụng xã hội, mà hơn thế, NHCSXH còn dần phát huy vai trò “cầu nối” giữa những người nghèo, đối tượng yếu thế với các cơ quan Nhà nước và Chính phủ, đề xuất và tham mưu ban hành nhiều chương trình tín dụng mới, nâng mức vay đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân. Hệ thống các chính sách tín dụng dần hoàn thiện mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ và có tính kế thừa, phát triển. 

Đến nay, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, NHCSXH đã và đang triển khai 22 chương trình tín dụng rộng khắp trên 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vững bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đơn cử như ở xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam - nơi có căn cứ địa Cách mạng Nước Oa của cơ quan Khu ủy khu V, Bộ Tư lệnh Quân khu V và các cơ quan ban ngành khu V trong kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1960 - 1973). Dãy Trường Sơn hùng vĩ là nơi an toàn bao bọc cho Cách mạng ngày ấy, song lại là thách thức đối với người dân trong phát triển kinh tế thời bình khi giao thông khó khăn, nhất là đồng bào DTTS nơi đây vẫn có thói quen tự cung, tự cấp, neo bám lâu đời.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Trà Tân Đinh Văn Hoàng cho biết: Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, thôn 1 có 100% là hộ nghèo, trong đó 85% gia đình thiếu đói giáp hạt. Bản thân Tổ trưởng Đinh Văn Hoàng cũng từng là hộ nghèo trước năm 2008, cho đến khi anh được chính quyền và NHCSXH tuyên truyền vận động, sau đó anh nhận thức rõ muốn thoát nghèo và làm giàu chính đáng là phải mạnh dạn vay vốn Nhà nước chí thú làm ăn, trồng keo, nuôi bò. 

Tuy nhiên, con đường thoát nghèo của anh cũng như người dân trong thôn không dễ dàng khi phải trải qua cả chục năm chăn nuôi với nhiều vòng quay từ vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, rồi đến hộ mới thoát nghèo.

Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1 đã có 75% hộ thoát nghèo và không phát sinh hộ tài nghèo. Nhiều hộ vay khấm khá trở thành tấm gương sáng cho người khác noi theo. Như Trưởng thôn Hồ Thanh Tùng, trải qua 2 vòng vốn vay hộ nghèo 20 triệu đồng rồi 50 triệu đồng đã phát triển trồng hẳn 5ha keo, nuôi trâu, đến năm 2019, vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, anh tiếp tục vay 80 triệu đồng để đầu tư mở rộng đàn trâu tới 7 con. Cùng với vài ba lần thu hoạch keo trong những năm qua đã làm cho anh tự chủ về tài chính để nuôi 3 người con ăn học đàng hoàng.

Hay như CCB Lê Văn Trong ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Hòa bình lập lại, ông trở về quê nhà làm nông, cuộc sống tạm đủ ăn. Khi đứa con trai bị bệnh từ năm 2001 - 2006, toàn bộ tích lũy trong nhà đều cạn kiệt, ngay cả 10 công đất cũng phải bán đi, gia đình ông trở thành hộ nghèo. 

Khi xã mở lớp dạy nghề đan lục bình, tạo thêm việc làm và thu nhập, vợ ông đi học rồi về nhà làm. Nhìn thấy triển vọng của nghề trên mảnh đất vốn dư thừa nhân công và sẵn nguyên vật liệu, ông quyết tâm vay vốn chính sách tại NHCSXH để đan lục bình, ước mơ sẽ thoát nghèo bền vững.

Từ năm 2008, trải qua các vòng vay vốn hộ nghèo, rồi hộ cận nghèo, năm 2012, ông chính thức thoát nghèo bền vững. Đồng thời, từ làm ăn đơn lẻ đến năm 2013, ông xây dựng Tổ hợp tác vận động bà con học nghề cùng làm. Đến nay, Tổ hợp tác tạo việc làm cho trên 400 lao động điạ phương, với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Đó là chưa kể ông còn tạo việc làm cho những hộ gia đình làm lục bình nguyên liệu. 

Ông còn tham gia làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn để hỗ trợ người nghèo quê hương kinh nghiệm và vốn phát triển sản xuất; trở thành tấm gương sáng, gia tăng thêm niềm tin thoát nghèo cho người dân.

Theo báo cáo của NHCSXH, trong 20 năm qua, hơn 42 triệu lượt hộ đã được vay vốn với trên 814 nghìn tỷ đồng; góp phần chung tay cùng cả nước giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn  2,75% (năm 2020). 

Tất cả những nỗ lực ấy đã cộng dồn theo thời gian, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo mà thế giới ghi nhận.

Tuy nhiên, thách thức chặng đường giảm nghèo còn không ít khó khăn bởi phần lớn nghèo thuộc lõi nghèo, đặc biệt vùng Trung du, miền núi phía Bắc là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước (13,4%). Mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. 

Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao nhất (hệ số để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) (tương ứng 0,428 và 0,418), Đông Nam bộ là vùng có hệ số GINI thấp nhất (0,322).

Để đẩy nhanh hành trình giảm nghèo bền vững, bên cạnh trọng tâm giảm nghèo, NHCSXH tập trung vốn cho công tác giải quyết việc làm và sinh kế, cho vay HSSV, cùng các chương tín dụng nâng cáo chất lượng sống. Đây sẽ là những động lực góp phần thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia, mà hơn cả là góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững, hướng tới nước có thu nhập cao vào năm 2045./.

>>>Đổi thay nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục