Hành trình 70 năm của Fnac
Với hơn 260 cửa hàng tại 12 quốc gia châu Âu, Fnac đã trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu, không chỉ cung cấp sách, âm nhạc, phim ảnh mà còn các sản phẩm điện tử, công nghệ cao.
Dẫu vậy, ít ai biết rằng đế chế thương mại này bắt nguồn từ một ý tưởng táo bạo và mang màu sắc cách mạng xã hội. Chính giấc mơ của hai cựu nhà hoạt động chính trị vào thập niên 1950 đã biến một cửa hàng nhỏ ở Paris thành một biểu tượng văn hóa và thương mại của nước Pháp.
Ra đời từ một ý tưởng mang tính không tưởng, Fnac-biểu tượng văn hóa và công nghệ của nước Pháp - vừa kỷ niệm 70 năm thành lập vào tháng 10/2024. Từ mục tiêu chống lại những khoản lợi nhuận khổng lồ trong kinh doanh, Fnac đã trở thành một "gã khổng lồ" trên thị trường bán lẻ, với hơn 260 cửa hàng tại 12 quốc gia.
Nhìn lại chặng đường phát triển, ít ai ngờ rằng đế chế thương mại này được khởi xướng bởi hai cựu nhà hoạt động trotskiste (người theo tư tưởng của nhà cách mạng Leon Trotsky) - những người từng mơ ước thay đổi thế giới thông qua một cuộc cách mạng thương mại.
*Từ vệ sĩ cách mạng đến doanh nhân thương mại Ông Max Théret, đồng sáng lập Fnac, là một người hoạt động cánh tả kiên định. Sau quãng thời gian hoạt động chính trị, Max chuyển hướng sang một mục tiêu táo bạo hơn: cải cách thói quen tiêu dùng của người dân Pháp.Đồng hành cùng ông là André Essel - một cựu chiến binh, lớn lên trong một gia đình kinh doanh. Với André, thương mại không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là con đường để biến những lý tưởng chính trị thành hành động cụ thể, góp phần thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn.
Gặp nhau tại Paris vào những năm 1950, hai nhà hoạt động trẻ này bắt đầu nảy ra một ý tưởng lớn: phổ cập văn hóa và công nghệ đến mọi tầng lớp nhân dân. Họ quyết định làm điều đó bằng cách phá vỡ thế độc quyền về giá và lợi nhuận của các nhà bán lẻ lúc bấy giờ. Năm 1954, trong một căn hộ nhỏ trên đại lộ Sébastopol, Paris, Max và André sáng lập Fédération nationale d'achat des cadres - viết tắt là Fnac (Liên đoàn mua sắm quốc gia của nhân viên quản lý). Ban đầu, đây chỉ là một hợp tác xã nhằm cung cấp cho các thành viên những thiết bị máy ảnh với giá ưu đãi. Tên gọi có vẻ khô khan, nhưng ý tưởng này nhanh chóng tạo nên bước ngoặt. Thời điểm đó, các nhà bán lẻ ở Pháp thường đặt mức lợi nhuận lên tới 50% cho các sản phẩm công nghệ và văn hóa. Để chống lại tình trạng này, Max và André quyết định chỉ lấy mức lợi nhuận 20%, mang đến cho người tiêu dùng mức giá hấp dẫn hơn nhiều.Công cụ đầu tiên của họ là một cuốn sổ mua hàng mang tên Contact, trong đó liệt kê các sản phẩm cùng giá bán ưu đãi. Cuốn sổ này nhanh chóng thu hút sự chú ý và giúp họ xây dựng lượng khách hàng trung thành.
Ba năm sau, với thành công vượt mong đợi, hai nhà sáng lập quyết định mở cửa hàng đầu tiên ngay tại tầng trệt tòa nhà nơi họ sinh sống. Fnac - cái tên gắn liền với sự đổi mới trong ngành bán lẻ - chính thức ra đời. Điểm độc đáo của Fnac nằm ở triết lý phục vụ khác biệt hoàn toàn so với các cửa hàng khác. Thay vì gọi những người đến mua sắm là "khách hàng", họ được xem như "bạn bè". Trong bối cảnh luật lao động khi đó còn chưa hoàn thiện, Fnac tiên phong áp dụng hàng loạt chính sách nhân văn: lương được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát, chế độ nghỉ phép có lương lên đến năm tuần (trước khi trở thành quy định bắt buộc vào năm 1981) và tuần làm việc chỉ bốn ngày dành cho nhân viên bán hàng.Đặc biệt, để gia nhập Fnac trong giai đoạn đầu, ứng viên chỉ cần đáp ứng hai tiêu chí: am hiểu về nhiếp ảnh và từng tham gia một tổ chức thanh niên.
*Từ lý tưởng đến đế chế thương mại
Fnac khởi đầu với lý tưởng chống lại sự chênh lệch lợi nhuận quá mức trong thương mại, mang các sản phẩm công nghệ và văn hóa đến tay người tiêu dùng với mức giá phải chăng. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ, từ một doanh nghiệp nhỏ với tinh thần cách mạng, Fnac đã nhanh chóng vươn lên trở thành một tập đoàn lớn mạnh, hiện diện tại nhiều quốc gia và chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Paris. Với hơn 100.000 thành viên chỉ sau sáu năm, Fnac nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực mới như đĩa nhạc, thiết bị gia dụng và truyền hình. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử của hãng đến vào năm 1974, khi Fnac quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực kinh doanh sách.Tại Montparnasse, hơn 1.000 m² được dành riêng cho không gian sách. Áp dụng chính sách giá ưu đãi quen thuộc, Fnac đã khiến các nhà sách độc lập phản ứng dữ dội vì lo ngại sự cạnh tranh không công bằng.
Các nhà sách cáo buộc Fnac phá giá và gây sức ép lên thị trường xuất bản, đe dọa đến sự sống còn của các nhà sách độc lập. Đáp lại, André Essel, đồng sáng lập Fnac, khẳng định rằng việc duy trì giá sách cao chỉ làm giảm khả năng tiếp cận sách của người dân.Cuộc tranh cãi gay gắt này đã dẫn đến việc ban hành "Luật Lang" năm 1981, do Bộ trưởng Văn hóa Jack Lang đề xuất, nhằm áp dụng mức giá sách thống nhất trên toàn quốc, qua đó hạn chế tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Mặc dù phải tuân thủ luật mới và đối mặt với việc mất 5% khách hàng cùng 35% doanh thu từ sách, Fnac vẫn giữ vững vị thế của mình như một siêu thị văn hóa hiện đại, mang tri thức đến gần hơn với công chúng."Điều nghịch lý là mỗi khách hàng lại mua ít sách hơn trước," André Essel thừa nhận, khép lại câu chuyện bằng một câu nói đầy ẩn ý: "Và tất cả còn lại chỉ là văn chương!", trích dẫn từ nhà thơ Paul Verlaine.
*Sự kết thúc của mô hình tiên phong? Thành công trong thập niên 1980 đã giúp Fnac tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng kéo theo những thay đổi đáng kể. Năm 1980, Fnac chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán, chuyển mình từ một hợp tác xã với tinh thần đấu tranh sang một doanh nghiệp thương mại truyền thống. Năm tiếp theo, công ty mở cửa hàng đầu tiên tại Brussels, đánh dấu bước đầu tiên vào thị trường quốc tế. Sự chuyển đổi này không tránh khỏi những hệ lụy. Năm 1982, Fnac đối mặt với cuộc đình công lớn, khi nhân viên biểu tình phản đối ban lãnh đạo, khiến André Essel tự vấn liệu ông có trở thành "một tay sai của chủ nghĩa tư bản". Cuối cùng, ông từ chức vào năm 1983, nối gót Max Théret - người đã rời công ty không lâu trước đó. Dù mất đi hai nhà sáng lập, Fnac vẫn tiếp tục mở rộng. Bước sang thập niên 1990, hãng lần lượt hiện diện tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ và Brazil. Tuy nhiên, song song với sự phát triển, Fnac cũng trải qua giai đoạn tư nhân hóa khi tập đoàn Pinault thâu tóm công ty vào năm 1994. Lúc này, dù đạt doanh thu 9,5 tỷ franc, Fnac phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các siêu thị và những đối thủ mới như Virgin Megastore. Bước vào thập niên 2000, sự bùng nổ của thương mại điện tử, đặc biệt là sự trỗi dậy của Amazon, làm rung chuyển thị trường bán lẻ văn hóa. Tuy nhiên, Fnac nhanh chóng thích ứng bằng cách ra mắt nền tảng trực tuyến Fnac.com, vẫn hoạt động hiệu quả đến ngày nay. Đến nay, sau nhiều sóng gió, Fnac đã vượt qua những thách thức và giữ vững vị trí trên thị trường. Năm 2016, hãng hoàn tất việc mua lại chuỗi bán lẻ Darty, trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm công nghệ và văn hóa. Năm 2023, Fnac ghi nhận doanh thu gần 7,9 tỷ euro và giá trị thị trường đạt 710 triệu euro. Dù đã xa rời lý tưởng ban đầu của hai nhà sáng lập, Fnac vẫn kiên định với mục tiêu mang văn hóa đến gần hơn với cộng đồng. Mới đây, vào tháng 7/2024, hãng đã khai trương quán cà phê Fnac đầu tiên tại ga Gare du Nord, Paris - một không gian kết hợp giữa văn hóa và trải nghiệm ẩm thực. Mặc dù hiện nay Fnac đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhưng tinh thần đổi mới và tư tưởng phục vụ cộng đồng từ những ngày đầu vẫn được coi là một di sản đáng tự hào. Thành công của Fnac chính là minh chứng cho việc những ý tưởng lớn, dù mang tính chất không tưởng hay cách mạng, hoàn toàn có thể trở thành hiện thực và thay đổi xã hội theo những cách không ngờ tới.- Từ khóa :
- pháp
- bán lẻ
- doanh nghiệp bán lẻ
- fnac
Tin liên quan
-
Bất động sản
Bất động sản đón cơ hội tăng trưởng của thị trường bán lẻ
19:39' - 02/03/2025
Theo dự báo của Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ trong năm 2025 có thể đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách nhà nước.
-
Chuyển động DN
"Ông lớn" bán lẻ Mexico rót hàng tỷ USD vào chuỗi cửa hàng tiện lợi
12:59' - 01/03/2025
Femsa - Tập đoàn Phát triển Kinh tế Mexico - ngày 28/2 công bố kế hoạch đầu tư 64 tỷ peso (3,1 tỷ USD) trong hai năm tới để mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi OXXO, chuỗi bán lẻ hàng đầu Mỹ Latinh.
-
Doanh nghiệp
Tập đoàn bán lẻ Home Depot đầu tư 1,3 tỷ USD vào Mexico
08:58' - 01/03/2025
Tập đoàn bán lẻ Home Depot của Mỹ công bố kế hoạch đầu tư 1,3 tỷ USD vào Mexico trong vòng 3 năm tới nhằm mở rộng hệ thống bán hàng cũng như củng cố sự hiện diện tại nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh.
Tin cùng chuyên mục
-
Chuyển động DN
WinMart liên tiếp ra mắt mô hình siêu thị mới tại Hà Nội và Đà Nẵng
15:09'
Với mục tiêu phục vụ người tiêu dùng Việt Nam trải nghiệm bán lẻ hiện đại, tháng 7/2025, WinMart liên tiếp ra mắt hai siêu thị mô hình mới tại Hà Nội và Đà Nẵng theo định hướng đa trải nghiệm.
-
Chuyển động DN
Tập đoàn bánh lớn nhất thế giới đầu tư 2 tỷ USD vào Mexico
09:49'
Tập đoàn sản xuất bánh lớn nhất thế giới Grupo Bimbo vừa công bố kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD tại Mexico giai đoạn 2025 - 2028 nhằm nâng cấp 30 nhà máy ở 7 bang của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh này.
-
Chuyển động DN
AI Perplexity huy động thêm vốn cho cuộc đấu trí tuệ nhân tạo
09:47'
Perplexity AI Inc. - công ty sở hữu công cụ tìm kiếm dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cạnh tranh với Google đã huy động thêm vốn trong một thỏa thuận định giá công ty khởi nghiệp này ở mức 18 tỷ USD.
-
Chuyển động DN
Central Retail Việt Nam được vinh danh Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2025
15:24' - 17/07/2025
Tại Lễ vinh danh “Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2025” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức, Central Retail Việt Nam đã được gọi tên ở hạng mục “Hoạt động CSR nổi bật”.
-
Chuyển động DN
TSMC công bố lợi nhuận kỷ lục
15:17' - 17/07/2025
Lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2025 của TSMC, nhà cung cấp chính của Apple và Nvidia, đạt 398,3 tỷ đô la Đài Loan (tương đương 13,53 tỷ USD).
-
Chuyển động DN
Khi bán lẻ hiện đại “về làng”
14:00' - 17/07/2025
Ngành bán lẻ Việt Nam đang trải qua một cuộc chuyển mình, với khu vực nông thôn - nơi hơn 60 triệu người tiêu dùng sinh sống và chiếm 65% dân số cả nước - trở thành “chiến trường” mới.
-
Chuyển động DN
Thương vụ mua lại công ty mẹ của Seven-Eleven đổ vỡ sau gần 1 năm đàm phán
13:05' - 17/07/2025
Nhà bán lẻ Alimentation Couche-Tard Inc. đã chính thức rút lại đề xuất mua Seven & i Holdings Co. với trị giá 47 tỷ USD, chấm dứt gần 1 năm đàm phán không thành công giữa 2 bên.
-
Chuyển động DN
Hòa Phát và Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao
10:07' - 17/07/2025
Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo văn bằng hai, liên thông và sau đại học trong các lĩnh vực như Kỹ thuật Vật liệu, trí tuệ nhân tạo...
-
Chuyển động DN
Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế hơn 7.600 tỷ đồng
09:36' - 17/07/2025
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong quý 2/2025, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận hơn 36.000 tỷ đồng doanh thu và 4.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.