Hành trình đến mục tiêu đô thị tăng trưởng xanh

12:09' - 17/10/2019
BNEWS Những mô hình phát triển kinh tế mà phải đánh đổi bằng việc hy sinh tài nguyên môi trường thì đó không phải là tăng trưởng xanh.

Công trình Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh đạt Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam lần thứ 4. Ảnh: Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

"Với Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang chứng minh không xa rời xu hướng chung của thế giới. Không thể làm giàu trước rồi làm sạch sau bởi khi đã mất tài nguyên và môi trường thì khả năng phục hồi rất khó, ngay cả khi có tiềm lực tài chính", Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), TS Trần Quốc Thái nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau 20 năm, đô thị Việt Nam đang có 3 nhược điểm lớn, đó là chất lượng con người đô thị (văn hóa, trình độ lao động), chất lượng xây dựng (đánh mất bản sắc đô thị và hạ tầng yếu kém) và nhiễm căn bệnh liên tục "bành trướng" đô thị (lấn chiếm vành đai xanh nông nghiệp ngoại vi) bất chấp tính bền vững. Bởi vậy, hành trình đi đến đô thị tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng mà phải trở thành đích đến vì mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, TS Trần Quốc Thái chia sẻ, hiện có 2 khái niệm cần làm rõ là đô thị xanh và đô thị tăng trưởng xanh. Đô thị xanh nhấn mạnh sự quan tâm đến tác động của đô thị tới môi trường. Còn đô thị tăng trưởng xanh theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) là đô thị tạo ra sự tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị làm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường cũng như tác động đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Hiện vấn đề phát triển đô thị tăng trưởng xanh được chú trọng với sự quan tâm đến việc tăng trưởng của đô thị có bền vững và giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, những mô hình phát triển kinh tế mà phải đánh đổi bằng việc hy sinh tài nguyên môi trường thì đó không phải là tăng trưởng xanh, TS Thái nhấn mạnh.

Tại các địa phương, đặc biệt là những đô thị lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng... đã quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng đô thị theo định hướng tăng trưởng xanh. Một số đô thị đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu như: Hải Phòng, Cần Thơ... Cùng đó, các đô thị khác như: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ (Quảng Nam)… cũng nghiên cứu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Khu nhà ở xã hội do Viglacera làm chủ đầu tư tại Đặng Xá (Gia Lâm-Hà Nội). Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, không có một mô hình chung có thể áp dụng cho mọi đô thị mà mỗi địa phương cần đánh giá toàn diện thực trạng phát triển để từ đó xác định định hướng, chiến lược và lộ trình thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh sao cho phù hợp với từng bối cảnh, đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, TS Thái cho hay.

Trên hành trình đi đến đô thị tăng trưởng xanh cần có sự tham gia của rất nhiều bên khác nhau như chính quyền – doanh nghiệp, nhà đầu tư - người dân; trong đó, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị tăng trưởng xanh. Quy hoạch vừa là công cụ quản lý, vừa định hướng mô hình tăng trưởng của đô thị đó để đạt tiêu chí “xanh”.

Theo TS Thái, muốn vậy ngay từ khâu quy hoạch đã phải tính toán kỹ việc sử dụng tài nguyên rừng, mặt nước, lấy đất nông nghiệp phục vụ phát triển đô thị như thế nào... bởi làm mất nguồn tài nguyên rồi thì rất khó khôi phục hiện trạng ban đầu.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, vật liệu… xanh, thân thiện với môi trường. Còn người dân, có vai trò quan trọng là cân nhắc việc chấp nhận hay từ chối các sản phẩm, dịch vụ này.

Chính người dân có thể tham gia vào phát triển đô thị tăng trưởng xanh từ những việc rất nhỏ như thay đổi thói quen, lối sống, thay túi nylon bằng túi giấy, thay cốc nhựa bằng cốc giấy, sử dụng tiết kiệm điện, nước… Mỗi bên tham gia đều có vai trò riêng trong việc chuyển đổi định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các dịch vụ, sản phẩm, vật liệu xanh, nhà nước đã ban hành một số chính sách về tài chính, ngân hàng xanh. Theo đó, các dự án được xác nhận là dự án xanh sẽ được hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các tiêu chuẩn, tiêu chí để công nhận một dự án là dự án xanh cũng chưa rõ ràng, một số chuyên gia nhận xét.

Dưới góc độ ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã giao cho các đơn vị trực thuộc nghiên cứu về tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị xanh, công trình xanh... Đáng chú ý là Thông tư 01/2018/TT- BXD quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh với 24 chỉ tiêu để xác định đô thị xanh.

Việc phát triển mô hình đô thị tăng trưởng xanh tại Việt Nam hiện vẫn gặp những khó khăn riêng, TS Thái chia sẻ. Đô thị lớn gặp thách thức vì quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh, phát thải lớn và đô thị nhỏ thì khó khăn về nguồn lực…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có một số điển hình tốt như thành phố Đà Nẵng. Địa phương này đã trải qua giai đoạn phát triển nóng, nhưng không "xanh" và đang nỗ lực khắc phục vấn đề này thông qua những giải pháp hiệu quả. Hay như các đô thị Rạch Giá (Kiên Giang), Huế (Thừ Thiên - Huế), Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng đang triển khai quy hoạch đô thị xanh. Trong khi đó, thành phố Hà Nội lại chọn đẩy mạnh dùng công nghệ giám sát quá trình phát triển của đô thị…

Việc phát triển đô thị tăng trưởng xanh mới ở giai đoạn ban đầu, chưa có đô thị nào vừa quy hoạch, vừa thực hiện quy hoạch và quản lý theo hướng tăng trưởng xanh mà phát huy hiệu quả ngay được. Bởi vậy, nếu phát triển đô thị tăng trưởng xanh là vĩ mô thì có thể chọn cách làm dễ hơn là phát triển từng dự án khu đô thị xanh, công trình xanh. Việc phát triển các dự án khu đô thị xanh như mô hình Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) rất được khuyến khích.

Bên cạnh đó, phát triển đô thị thông minh bền vững cũng là một trong những giải pháp phát triển đô thị xanh. Về cơ bản, đô thị thông minh hướng đến tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhà kính trong mọi hoạt động của đô thị..., đó chính là mục tiêu của đô thị tăng trưởng xanh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận xét, đô thị thông minh ở Việt Nam mới đang “chập chững” bước những bước đầu tiên. Mô hình thì có thể học tập ở những nước đã phát triển, nhưng nhà nước cần đưa ra khung pháp lý cụ thể để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Thực tế cho thấy, các đô thị đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Nguyên nhân là do khái niệm này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, chưa có hình mẫu thực hiện thành công mà mới đang chinh phục tiêu chí ở từng lĩnh vực riêng biệt như: giao thông công cộng giảm phát thải, xanh hóa đô thị, phát triển công trình xanh…

Cùng với sự thay đổi từ tư duy phát triển đến hành động cụ thể, các đô thị cần tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước; nâng cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp; phát huy hiệu quả sự tham gia của các cấp chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Đây là quá trình với nhiều khó khăn, thách thức nên đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục