Đô thị thông minh, yếu tố quyết định trong cuộc cách mạng 4.0

17:22' - 26/09/2019
BNEWS Ngày 26/9, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mô hình đô thị thông minh”.
Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Cần Thơ về bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc ứng dụng vào xây dựng mô hình đô thị thông minh, với những yêu cầu về nhân lực, vật lực...
Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đánh dấu bước tiến xa của nhân loại trong việc xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý – số hóa – sinh học. Nó mang lại nhiều tiện ích, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra làn sóng đào thải, mất việc làm hàng loạt ở những lĩnh vực đòi hỏi tính lặp lại chính xác hay lao động chân tay, với sự thay thế của robot. Do đó, chúng ta phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về khoa học - công nghệ nhằm làm chủ máy móc và đương đầu được trước cơn lốc đào thải.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Trần Khánh, Trưởng khoa Công nghệ – Thông tin, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi toàn diện cơ cấu tổ chức, quản lý, vận hành, giao tiếp… trong xã hội. Chia sẻ những tiến bộ vượt bậc đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Trần Khánh đề cập đến mô hình đô thị thông minh như một xu hướng tất yếu.

Đó là mô hình đáp ứng được các tiêu chí về một đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế – xã hội – môi trường – văn hóa. Cụ thể, đó phải là một hệ sinh thái với công dân thông minh, năng lượng thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, giáo dục thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh và điều hành thông minh.
Với mô hình đó, đào tạo nhân lực cần được đưa lên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhân lực đủ mạnh để làm chủ “chuỗi thông minh”: cảm biến, hạ tầng mạng và truyền thông, lưu trữ và phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ và ứng dụng…
Yếu tố then chốt trong xây dựng mô hình đô thị thông minh, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Trần Khánh, đó là sự vận dụng phù hợp với thực tế của từng địa phương, không bắt chước rập khuôn theo bất kỳ một khuôn mẫu có sẵn nào, vì không địa phương nào giống địa phương nào.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang từng bước xây dựng đô thị thông minh. Động thái gần đây nhất là triển khai mạng 5G. Thế nhưng, Cần Thơ không thể lấy nguyên hình mẫu ấy để áp dụng cho mình, mà phải dựa trên những điều nghiên rất chi tiết về đặc điểm riêng của Cần Thơ, trong đó chú trọng về đào tạo nguồn nhân lực.
Tại Cần Thơ, hiện chỉ có hơn 7.400 nhân sự hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong tổng số hơn 1,4 triệu dân số; tập trung cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học với hơn 4.600 người. Điều này đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực cao còn ít, phân bố không đều. Để hiện thực hóa tiến trình xây dựng đô thị thông minh, nghĩa là triển khai có hiệu quả các mô hình chính quyền điện tử, quản lý dữ liệu lớn, cơ sở dữ liệu dùng chung… điều cốt lõi chính là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vì vậy, việc cần làm ngay là mở ra những chuyên ngành đào tạo về AI, Robot, Big Data, IoT… với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu và trao đổi giảng viên với các viện, trường có thế mạnh về lĩnh vực này trên thế giới. Thành phố có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ người lao động trong các lĩnh vực ưu tiên này, nhằm tạo ra xu hướng và thu hút nhân lực trong, ngoài nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục