Hậu kiểm là yếu tố then chốt khi xuất khẩu sang Nhật Bản

09:38' - 04/12/2023
BNEWS Doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản không nên dừng ở việc mua đứt, bán đoạn mà cần theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm được thị trường và khách hàng phản hồi ra sao nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.

Liên quan đến hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam sang Nhật Bản bị buộc tiêu hủy do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép trong tháng 10/2023, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định đã báo cáo thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để khuyến cáo tình trạng hàng hóa vi phạm quy định tại nước nhập khẩu.

“Việc vi phạm tương tự trên không chỉ Việt Nam mắc phải mà nhiều lô hàng trái cây từ các nước tiên tiến khác cũng thường xuyên vi phạm. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường khó tính, muốn xuất khẩu ổn định, doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá bán và sản lượng cung ứng”, ông Tạ Đức Minh nhấn mạnh.

Do vậy, ông Tạ Đức Minh cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi kinh doanh với Nhật Bản không nên dừng ở việc mua đứt, bán đoạn mà nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm được thị trường và khách hàng phản hồi ra sao nhằm tránh những rủi ro không đáng có. 

Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản) chuyên nhập khẩu nông sản từ doanh nghiệp Việt sang thị trường Nhật Bản cho biết, doanh nghiệp này vừa thiệt hại hàng trăm triệu đồng, liên quan đến 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập khẩu từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Trước đó, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10 với giá 132.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Ngoài ra, với lô hàng hơn 4 tấn ớt, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất; trong đó, có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.

Theo bà Lê Thị Kiều Oanh, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, khiến doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí, thời gian hàng lưu kho kéo dài ảnh hưởng đến khâu phân phối, tiêu thụ.

Đáng lưu ý, cả 2 lô hàng trên đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy. Riêng lô sầu riêng, doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn với lô hàng ớt nếu không nhập khẩu bù, khả năng cao sẽ còn bị phạt theo hợp đồng.

Trước đó, trong tháng 9, Công ty Japan Apple LLC nhập phải 1 lô hàng sầu riêng cắt non. Sau nhiều ngày giao hàng đến đối tác, sầu riêng không thể chín bình thường mà chín ép, có mùi chua, buộc doanh nghiệp phải thu hồi, chịu lỗ nặng.

Cũng theo bà Lê Thị Hoàng Oanh, doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng xong là gần như chối bỏ trách nhiệm. Trong một số vụ việc, công ty yêu cầu chia sẻ trách nhiệm thì doanh nghiệp trừ bớt tiền hàng nhưng sau đó lại tìm cách nâng giá bán.  

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng và hiện tại đạt 5,3 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục về kim ngạch với ngành hàng này nhưng còn những mối lo khi câu chuyện vi phạm quy định tại thị trường xuất khẩu vẫn diễn ra.

Đơn cử như câu chuyện ngành hàng sầu riêng với đóng góp 2 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng qua. Tuy nhiên, do mối liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên sầu riêng tuy bán với giá cao nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu lại lỗ nặng.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, không phải nông hộ nào cũng quen với việc sản xuất theo hợp đồng hay tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, nông dân chủ yếu vẫn sản xuất theo hướng tự phát và manh mún khiến sản phẩm rau quả trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao. 

Ngoài ra, khi các chủ thể chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài khi sản xuất, tiêu thụ ổn định, việc phá vỡ chuỗi liên kết là khó tránh khỏi. Đây là những điểm yếu cố hữu cần sớm khắc phục để Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản bền vững vào những thị trường khó tính và tiềm năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục