Hậu quả kinh tế dài hạn của cuộc khủng hoảng tại Ukraine

06:30' - 13/03/2022
BNEWS Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt sâu rộng mà Mỹ và châu Âu áp đặt với Nga đã gây ra sự gián đoạn kinh tế ở bốn cấp độ: Trực tiếp, tác dụng ngược, lan tỏa và hệ thống.
Theo tạp chí Project Syndicate, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt sâu rộng mà Mỹ và châu Âu áp đặt với Nga đã gây ra sự gián đoạn kinh tế ở bốn cấp độ: Trực tiếp, tác dụng ngược, lan tỏa và hệ thống.

Để ngăn chặn những hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng, các nước cần bắt đầu lên kế hoạch khôi phục ngay bây giờ. Nền kinh tế Ukraine và Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hoạt động kinh tế ở Ukraine có thể sẽ giảm hơn một phần ba trong năm nay, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang nhanh chóng.

Mặc dù không phải chịu đựng những mất mát to lớn về con người hay sự phá hủy cơ sở hạ tầng quy mô lớn, song nền kinh tế của Nga cũng sẽ bị giảm khoảng một phần ba, do mức độ nghiêm trọng chưa từng có của các lệnh trừng phạt mà nước này đang phải hứng chịu.

Việc phương Tây đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương và loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) - hệ thống nhắn tin tài chính cho phép thực hiện hầu hết các khoản thanh toán qua ngân hàng quốc tế, đang khiến nền kinh tế Nga suy sụp. Chưa kể các tác động tiêu cực khác sau khi các công ty như Apple, BP dừng hoạt động ở Nga cũng khiến nền kinh tế nước này thiệt hại thêm.

Nga hiện đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về ngoại hối, tình trạng thiếu hụt hàng hóa lớn, đồng ruble sụt giảm, nợ gia tăng và suy nghĩ của nhiều hộ gia đình cho rằng tình trạng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn trước khi hồi phục lại. Bối cảnh này có nhiều điểm chung giống như tình hình tại Moskva vào năm 1998.

Ngay cả khi cuộc khủng hoảng kết thúc sớm, các nền kinh tế này phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Cuộc khủng hoảng càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn, hậu quả càng sâu sắc và những tiềm ẩn về nhưng vòng luẩn quẩn và các chu kỳ bất lợi càng lớn.

Ở Ukraine, cơ sở hạ tầng vật chất và con người đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ukraine có thể mong đợi sự hỗ trợ to lớn từ bên ngoài cho công cuộc tái thiết, trong đó nước này có thể giải quyết những điểm yếu trong quá khứ và xây dựng một cơ cấu kinh tế mới và các mối quan hệ mới cả trong và ngoài nước. Nhưng quá trình này sẽ mất thời gian và sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Về phần mình, Nga sẽ rất khó thiết lập lại các liên kết kinh tế, tài chính và thể chế với thế giới bên ngoài, đặc biệt là phương Tây. Điều này có thể cản trở sự phục hồi kinh tế của Nga, vốn sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện một số tái cơ cấu nội bộ phức tạp và tốn kém trên các khía cạnh thể chế, chính trị và xã hội.

Tuy nhiên, hậu quả kinh tế của cuộc xung đột tại Ukraine sẽ không chỉ giới hạn ở các quốc gia liên đới trực tiếp. Hiện tại, phương Tây đã bắt đầu cảm thấy tác động ngược của “lạm phát đình trệ”. Áp lực lạm phát hiện tại sẽ tăng thêm do giá hàng hóa tăng vọt, bao gồm năng lượng và lúa mỳ. Trong khi đó, một đợt gián đoạn chuỗi cung ứng khác đã bắt đầu và chi phí vận chuyển lại tăng lên. Các tuyến đường thương mại bị gián đoạn có khả năng gây áp lực giảm hơn nữa đối với tăng trưởng.

Mức độ thiệt hại do những diễn biến tại Ukraine gây ra sẽ rất khác nhau, cả ở từng nước và giữa các quốc gia với nhau. Nếu không có phản ứng chính sách kịp thời, các nền kinh tế tiên tiến có thể sẽ đối mặt với tăng trưởng thấp hơn, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng và chênh lệch hiệu suất lớn hơn giữa các quốc gia.

Nhìn chung, Mỹ có năng lực phục hồi kinh tế tốt hơn châu Âu. Trong khi "lục địa già" có nguy cơ rơi vào suy thoái, nền kinh tế Mỹ có sự linh hoạt và khả năng phục hồi tốt hơn từ bên trong, mặc dù thất bại của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc ứng phó kịp thời với lạm phát vào năm ngoái - một sai lầm chính sách lịch sử - sẽ làm suy yếu sự linh hoạt của chính sách.

Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, các chuyên gia dự báo biến động trên thị trường sẽ gia tăng. Tổn thất tài chính sẽ lớn hơn ở châu Âu, với một số lĩnh vực - đặc biệt là một số ngân hàng và công ty năng lượng - đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Sự khác biệt về kinh tế và tài chính cũng sẽ gia tăng ở những nơi khác trên thế giới. Một số nhà sản xuất hàng hóa có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn, điều đó sẽ bù đắp thiệt hại mà tăng trưởng toàn cầu thấp hơn gây ra.

Tuy nhiên, một số lượng lớn các quốc gia - đặc biệt là những quốc gia nằm gần các nền kinh tế đang phát triển còn yếu - sẽ phải đối mặt với một số áp lực, bao gồm các điều khoản bất lợi về thương mại, dòng người di cư, đồng USD mạnh lên, nhu cầu toàn cầu giảm và bất ổn thị trường tài chính.

Các nhà nhập khẩu hàng hóa sẽ phải vật lộn để đối phó với tình trạng giá cả đột ngột tăng đột biến, vừa khó vận chuyển đến tay người tiêu dùng, vừa khó trợ giá. Tác động tiềm tàng có thể bao gồm việc tái cơ cấu nợ nhiều hơn. Trừ khi các nhà hoạch định chính sách theo đuổi các phản ứng kịp thời, các nền kinh tế yếu nhất có thể phải đối mặt với viễn cảnh bạo động do thiếu lương thực.

Tiếp đến là tương lai của chủ nghĩa đa phương, với nguy cơ bị sụp đổ. Trong ngắn hạn, phương Tây đã khẳng định lại sự thống trị của mình đối với hệ thống quốc tế mà họ đã xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhưng phương Tây sẽ phải đối mặt với một thách thức dài hạn nghiêm trọng từ việc tăng cường nỗ lực do Trung Quốc dẫn đầu nhằm xây dựng một hệ thống thay thế đối với các hệ thống tài chính, kinh tế cũ.

Người ta thường nói rằng trong mỗi cuộc khủng hoảng khủng khiếp đều ẩn chứa cơ hội lớn. Điều quan trọng là các nước phải có hành động kịp thời để giảm thiểu những rủi ro kinh tế lâu dài mà cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây ra, và tăng cường khả năng phục hồi và hợp tác trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục