Hệ lụy từ những trạm trộn bê tông không phép ở Hà Nội

11:42' - 11/01/2019
BNEWS Hiện đang là mùa xây dựng, nhiều trạm trộn bê tông tại Hà Nội đang gia tăng sản xuất, kéo theo hàng loạt hệ lụy nhưng việc ngăn chặn các trạm này lại chưa thu được nhiều kết quả.
 Trạm trộn bê tông Thanh An 115 tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, hoạt động chưa đủ các giấy tờ quy định, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN

Khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm, hư hỏng đường xá... là những gì dễ nhận thấy tại các khu vực có trạm trộn bê tông đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Hiện đang là mùa xây dựng, nhiều trạm trộn bê tông trên địa bàn Hà Nội đang gia tăng sản xuất, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy nhưng việc ngăn chặn các trạm này lại chưa thu được nhiều kết quả.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Văn Minh được tỉnh Hà Tây cũ giao đất ở Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng và quản lý sau đầu tư Cụm công nghiệp Phùng Xá - Bình Phú (Dự án Cụm công nghiệp Phùng Xá - Bình Phú), tại Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 21/7/2008.

Nhưng từ nhiều ngày nay, Công ty này đã cho 3 trạm trộn bê tông gồm: Hải Phát, A cộng và Công ty cổ phần 12.1 thuê lại mặt bằng để sản xuất bê tông thương phẩm. Đáng nói, 3 trạm trộn này đang hoạt động ngày đêm, cách khu dân cư khoảng 100 mét nhưng đều trong tình trạng không phép do các cơ quan chức năng quy định, gây bức xúc dư luận.

Tuyến đường dẫn vào cổng công ty thường xuyên có những xe trọng tải lớn qua lại, gây khói bụi, hư hại đường giao thông. Bên cạnh chỗ “đóng chân” của ba trạm trộn trên là một khu đất trống, có nhiều bê tông thừa được đổ bừa bãi, đóng cứng thành mảng lớn, cao so với nền đất từ 30cm đến 1m. Người dân sống cạnh khu vực ba trạm trộn nêu bức xúc, không khí trong lành đã không còn khi các trạm trộn hoạt động.

Trạm trộn bê tông tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức hoạt động chưa đảm bảo các thủ tục pháp lý theo quy định. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN

Do gây ra bức xúc về môi trường, UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã ban hành văn bản số 2237/UBND-QLĐT ngày 17/10/2017 yêu cầu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Văn Minh dừng hoạt động của 3 trạm trộn bê tông kể trên; chỉ hoạt động trở lại khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng thực tế cho thấy, các văn bản của huyện Thạch Thất chưa hiệu quả, khi các trạm trộn bê tông vẫn đang hoạt động.

Về việc này, ông Cấn Văn Duẩn, Phó Phòng Quản lý Đô thị huyện Thạch Thất cho biết, sẽ yêu cầu UBND xã Phùng Xá các bộ phận liên quan báo cáo để tiến hành lập biên bản, đình chỉ hoạt động của ba trạm trộn kể trên. "Việc tồn tại hoạt động của ba cái trạm trộn trên thì trách nhiệm cũng phải là của chính quyền địa phương huyện và xã", ông Duẩn nói.

Tại các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, như: Hoài Đức, Hà Đông, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm đều đang tồn tại nhiều trạm bê tông không phép.

Trước đây, con đường dẫn vào Khu Công nghiệp An Ninh xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, lúc nào cũng trong tình trạng bụi mù mịt. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện này đã yêu cầu các doanh nghiệp có trạm trộn bê tông trích một nguồn kinh phí nhất định để tăng tần suất quét hút bụi, rửa đường tại tuyến đường trên. Dù đã khắc phục đáng kể nhưng vẫn chưa như mong muốn của chính quyền và người dân nơi đây.

Theo ông Nguyễn Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên, thời cao điểm, địa phương có 11 trạm trộn bê tông hoạt động. Xã đã cùng các phòng, ban của huyện thường xuyên phối hợp kiểm tra hoạt động của các trạm trộn trên địa bàn.

Qua đó, xử phạt vi phạm, đồng thời, quán triệt việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh môi trường an toàn, giao thông. Hiện nay, xã Lại Yên đang phối hợp với các phòng, ban của huyện, tuyên truyền vận động các trạm trộn bê tông dừng hoạt động, chuyển đổi mục đích kinh doanh.

Riêng địa bàn xã Lại Yên có 5 trạm trộn đã và chuẩn bị di dời khỏi địa bàn. Còn cả huyện Hoài Đức, tính đến nay, đã vận động và xử lý được 14 trạm trộn bê tông dừng hoạt động, di dời trạm đi nơi khác. Ngoài ra, một số trạm trên địa bàn cũng đang rục rịch dừng hoạt động do không đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Trọng Tấn, Phó Phòng Quản lý Đô thị huyện Hoài Đức cho hay, mặc dù UBND huyện, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc xử lý trạm trộn bê tông, nhưng trên địa bàn huyện, vẫn còn một số tồn tại: các trạm trộn bê tông gây tiếng ồn, bụi bẩn, nước thải chưa đảm bảo xả ra môi trường. Tuyến đường D8 còn nhiều bụi bẩn ảnh hưởng giao thông và sinh hoạt nhân dân.

Trạm trộn bê tông Hải Phát tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất hoạt động chưa đảm bảo các thủ tục pháp lý theo quy định. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN

Trong trường hợp những trạm bê tông cố tình không chấp hành thực hiện các quy định của huyện và thành phố về vệ sinh môi trường, địa điểm thuê đất, UBND huyện sẽ kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và các ngành liên quan xem xét rút giấy phép về việc xả thải chất thải của các đơn vị này và có thể đề xuất tháo dỡ hoạt động của các trạm trộn bê tông.

Tại địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), hiện có 16 trạm trộn bê tông hoạt động. Nhìn chung các trạm bê tông đã được UBND thành phố Hà Nội cho thuê đất, chấp thuận vị trí để đặt trạm. Tuy nhiên, đối chiếu với một số quy định hiện hành thì một số trạm còn đang tồn tại như: gây ô nhiễm môi trường đối với vùng lân cận, xe trọng tải lớn lưu thông trên đê, trạm trộn hết giấy phép hoạt động tạm thời…

Theo lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, thời gian qua, quận dỡ bỏ và xử lý được 5 trạm trộn bê tông. Hiện quận tiếp tục chỉ đạo các phường và phòng chức năng kiểm tra phát hiện trạm bê tông hết hạn cấp phép phải tháo dỡ, di chuyển toàn bộ phế thải ra khỏi khu vực. Còn đối với những trạm trộn chưa được cấp phép lắp đặt, UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo dừng ngay mọi hoạt động, khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan, trình UBND thành phố Hà Nội cấp phép.

Ngoài ra, UBND quận này chỉ đạo các bộ phận liên quan: Thanh tra xây dựng, phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an quận… thường xuyên kiểm tra xử lý các trạm trộn về ô nhiễm môi trường, phương tiện quá tải, rơi vãi vật liệu…Đặc biệt, quận Hoàng Mai còn yêu cầu các công trình xây dựng trên địa bàn không ký hợp đồng tiêu thụ bê tông đối với những trạm không đủ điều kiện hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục