Hệ thống thương lái đóng vai trò quan trọng trong chuỗi ngành hàng lúa gạo

19:24' - 02/05/2024
BNEWS Theo đánh giá của các chuyên gia và cơ quan quản lý, thương lái đang là mắt xích, cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo.
Ngày 2/5, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Chính sách công và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Tại hội thảo, ngoài các nội dung về vai trò của liên kết nhóm doanh nghiệp, phương thức tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ của hợp tác xã,... trong chuỗi giá trị lúa gạo thì đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã... tập trung thảo luận về vai trò của thương lái trong phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo.

Các bên liên quan đều nhận định thương lái là mắt xích, cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong  tiêu thụ lúa gạo. Lực lượng thương lái giúp người nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa bán được hàng hóa và doanh nghiệp thu mua nguyên liệu dễ dàng hơn.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích gieo trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long là 7,24 triệu ha, với sản lượng 24,3 triệu tấn lúa, với 1.300 hợp tác xã tham gia vào ngành hàng lúa gạo.

Trong số đó, diện tích lúa liên kết được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước sản xuất đạt 40,28% (năm 2016 chỉ đạt 26,5%); có 12,1% nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và thông qua hợp tác xã là 37,5% để phân phối lại cho doanh nghiệp và qua thương lái là 49,5%.

Tại Sóc Trăng số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu lúa gạo có nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh với quy mô công suất chế biến còn khá khiêm tốn so với tổng sản lượng 2,1 triệu tấn lúa gạo hàng năm của tỉnh. Tuy vậy, theo ông Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng nhờ sự điều tiết cung cầu trong tiêu thụ lúa gạo khá linh hoạt bởi hệ thống thương lái tại tỉnh đã không để xảy ra tình trạng “giải cứu” lúa gạo như một vài nông sản khác vì không tiêu thụ được.

Theo rà soát, cuối năm 2023, hợp tác liên kết tiêu thụ lúa gạo được thực hiện khoảng 17% trên tổng sản lượng lúa gạo của nông dân Sóc Trăng. Việc liên kết kết tiêu thụ đều liên quan đến hệ thống thương lái, hợp tác xã thông qua thương lái bán cho doanh nghiệp, nông dân bán trực tiếp cho thương lái. Chưa ghi nhận được trường hợp nào nông dân Sóc Trăng liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp vì quy mô số lượng chưa đáp ứng được yêu  cầu của doanh nghiệp.

Ông Võ Quốc Trung nhận định, thương lái có vai trò là chiếc cầu nối không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ. Họ chính là mắt xích quan trọng giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng trong chuỗi liên kết một cách linh hoạt: linh hoạt trong quyết định về giá thỏa thuận thu mua; trong việc hợp tác thỏa thuận điều chuyển phương tiện chuyên chở phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông nơi thu mua; chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp trong hoạt động thu mua lúa của nông dân vào những thời điểm thu hoạch cao điểm; phát hiện và phản ánh tích cực với chính quyền địa phương về những vướng mắc của hạ tầng giao thông nhất là giao thông đường thủy (độ rộng, độ sâu kênh thủy lợi, vật cản trên sông, chiều cao cầu, độ rộng thông thuyền …).

Ở góc độ doanh nghiệp chế biến lúa gạo lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) cho biết thương lái luôn tồn tại trong chuỗi ngành hàng lúa gạo từ lâu. Trong hơn 10 năm qua, công ty liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa gạo ở các địa phương nhưng vẫn phải sử dụng lực lượng thương lái trong thu mua lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thương lái của công ty không phải quyết định giá lúa, không trực tiếp đi đặt cọc giá lúa, mà thương lái đi nhận lúa từ nông dân đem về giao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp trả tiền công cho thương lái trong quá trình vận chuyển lúa, cân đong lúa của nông dân.

Nhận định, thương lái là cầu nối trong chuỗi liên kết lúa gạo giữa nông dân với doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đồng tình việc đưa thương lái vào thực hiện chuỗi ngành hàng lúa gạo. Bởi lẽ, thương lái là người nắm rõ sản lượng lúa, giống lúa, thời điểm thu hoạch lúa,... của từng địa phương từ đó thay doanh nghiệp làm cầu nối thu mua lúa gạo cho doanh nghiệp và ngược lại thương lái giúp nông dân, hợp tác xã bán được lúa cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sự liên kết giữa thương lái và nông dân bộc lộ nhiều hạn chế và nhiều bất cập như xác định thời điểm thu hoạch lúa, giá cả thường được quyết định bởi thương lái, thương lái bỏ cọc,… trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ giữa thương lái với người sản xuất lúa.

Để tiếp tục phát huy vai trò là chiếc cầu nối vững chắc trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo của thương lái trong thời gian tới, ông Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng đề xuất các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cơ sở cần tích cực quan tâm xây dựng kênh thông tin kết nối chia sẻ mật thiết giữa doanh nghiệp kinh doanh chế biến lúa gạo vùng, thương lái, môi giới địa phương, tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức nông dân, chính quyền và ngành nông nghiệp các cấp để thúc đẩy, củng cố và duy trì mối liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo từng khóm ấp, xã phường thị trấn trong tỉnh.

Khi vị thế thương lái tiềm năng trong vùng có khả năng kết nối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa gạo với nông dân, hợp tác xã được quan tâm hỗ trợ đúng mức, cùng với việc củng cố lực lượng môi giới trung gian đủ uy tín ở địa phương gắn kết với nguồn lực của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là động lực thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo phát triển ổn định.

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nêu rõ, thương lái là một phần không thể thiếu trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Vì thế, thương lái cần được xem là đối tác đồng hành cùng với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Thương lái có vai trò quan trọng. Thương lái cần được “có giấy chứng nhận hành nghề”, được đăng ký hành nghề; đồng thời khuyến khích thương lái tập hợp vào các nhóm câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để cùng trao đổi kinh nghiệm”, Tiến sĩ Trần Minh Hải đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng khi bàn vấn đề thương lái cần phân biệt thương lái và “cò lúa”. Trước hết “cò lúa” ở khắp nơi, có lợi cho nông dân. Lực lượng này giúp cho nông dân khỏi tìm kiếm đầu mối tiêu thụ. "Cò lúa" với nhiệm vụ là tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tập hợp sản lượng, thu mua lúa để hưởng chênh lệch, trung bình từ 15.000 – 25.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, về bản chất, lợi nhuận đó lấy từ tiền lúa, thành quả sản xuất của người nông dân.

Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, trong chuỗi giá trị lúa gạo cần phải có lực lượng thương lái. Vì đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng vì nắm được sản lượng, vốn, giống được gieo sạ tại một địa phương. Ngoài ra, thương lái còn có nguồn vốn tham gia cùng với doanh nghiệp để thu mua lúa cho nông dân.

Tuy nhiên, vướng mắc của thương lái hiện nay là thường hợp đồng miệng với hợp tác xã và nông dân. Đó là hợp đồng phi chính thức, không được công nhận.

Thứ trưởng  Trần ThanhNam đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nghiên cứu những vấn đề thương lái cần về cơ chế pháp lý để bổ sung, khuyến khích lực lượng thương lái hoạt động. Ngành nông nghiệp các địa phương nghiên cứu hỗ trợ thêm cho lực lượng thương lái trong việc tìm kiếm đầu vào cho nông dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục