Thị trường nông sản: Nguồn cung lúa gạo đang giảm

15:50' - 28/04/2024
BNEWS Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu đi ngang sau 2 tuần liên tục tăng khá. Nguồn cung lúa gạo đang giảm dần do vụ Đông Xuân ở khu vực này đã cơ bản thu hoạch xong.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá hầu hết các loại lúa đi ngang như: Đài thơm 8 từ 8.000 - 8.200 đồng/kg, OM 18 cũng từ 8.000 - 8.200 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 - 7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg. Một số loại tăng nhẹ như: IR 50404 từ 7.400 - 7.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 từ 7.600 - 7.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg…

 

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 - 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa tháng 4/2024, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024 được 1,498/1,5 triệu ha kế hoạch; trong đó, thu hoạch được khoảng 1,375 triệu ha với sản lượng đạt khoảng 9,9 triệu tấn lúa.

Như vậy, nguồn cung lúa gạo đang giảm dần do vụ Đông Xuân đã cơ bản thu hoạch xong.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, lượng xuất khẩu từ ngày 1/4 đến 15/4 đạt 511.785 tấn, trị giá 318,97 triệu USD, so với cùng kỳ về số lượng giảm 1,2% và về trị giá tăng 18,03%. Lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 15/4 đạt 2,691 triệu tấn, trị giá 1,744 tỷ USD, so với cùng kỳ 2023 tăng 13,5% về số lượng và tăng 39,46% về giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: Với tình hình xuất khẩu nhiều tích cực, khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 vượt kế hoạch ban đầu (7,6 triệu tấn).

Theo Bộ Công Thương, trong quý I/2024, lần đầu tiên Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%).

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong quý I/2024 đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023. Tương tự, tại thị trường trong nước mặc dù có sự điều chỉnh giảm trong những tháng đầu năm nhưng giá lúa gạo vẫn đang cao hơn 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về xuất khẩu, các thương nhân cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 575-580 USD/tấn vào ngày 25/4. Hoạt động giao dịch tại Việt Nam đang chậm lại trước kỳ nghỉ lễ kéo dài năm ngày bắt đầu vào ngày 27/4. Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sự giảm tốc trong hoạt động mua hàng của các nhà chế biến gạo đã tạo áp lực giảm giá đối với giá gạo trong nước.

Còn trên thị trường gạo châu Á, giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng qua trong tuần này, do nhu cầu thấp và nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo của Thái Lan nhìn chung ít biến động.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá từ 528 - 536 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 538 - 546 USD/tấn của tuần trước. Giá loại gạo này đã đạt mức cao kỷ lục 560 USD/tấn vào tháng trước.

Một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở tại bang Andhra Pradesh miền nam Ấn Độ cho biết: "Nhu cầu từ các nước châu Á và châu Phi đang rất yếu. Một số nhà xuất khẩu đang được hưởng thuế xuất khẩu thấp hơn và chào giá thấp hơn cho người mua nước ngoài". Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng mức thuế 20% đối với mặt hàng gạo đồ xuất khẩu vào tháng 8/2023 để kiểm soát giá gạo trong nước.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá từ 580 - 585 USD/tấn, sau khi ở mức 585 USD/tấn của tuần trước. Theo một thương nhân ở Bangkok, biến động giá gạo Thái Lan không đáng kể do nhu cầu từ Indonesia và đồng baht giảm giá đã giúp củng cố giá gạo của nước này.

Còn tại Bangladesh, một quan chức của Bộ Nông nghiệp nước này cho hay sản lượng gạo vụ hè có thể đạt 20,50 triệu tấn, tăng so với mức 20 triệu tấn của vụ trước, do nông dân tăng diện tích canh tác để tận dụng giá cao hơn. Vụ Hè, còn được gọi là "Boro", thường đóng góp hơn một nửa sản lượng gạo của Bangladesh, thường ở mức khoảng 37 triệu tấn.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá hai mặt hàng cà phê đảo chiều đồng loạt giảm.

Cụ thể, giá cà phê Arabica trên sàn New York ngày 27/4 giảm ở các kỳ hạn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 224,00 cent/lb; kỳ giao hàng tháng 9/2024 là 222,40 cent/lb; kỳ giao hàng tháng 12/2024 là 220,70 cent/lb và kỳ giao hàng tháng 3/2025 là 219,95 cent/lb (1 lb=0,4535 kg).

Tương tự, giá cà phê Robusta trên sàn London ngày 27/4 cũng đảo chiều giảm ở tất cả các kỳ hạn, dao động từ 3.850 - 4.151 USD/tấn. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 4.151 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 là 4.065 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 là 3.971 USD/tấn và kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 là 3.850 USD/tấn.

Sau chuỗi ngày tăng mạnh dường như không có điểm dừng, giá cà phê Robusta đã dừng lại để cân đối vị thế kinh doanh trên sàn. Hạn hán càng làm gia tăng mối lo nguồn cung trong tương lai đối với cà phê Robusta.

Bên cạnh đó, tồn kho tăng đã hạn chế đà tăng, khiến giá cà phê quay đầu. Tồn kho cà phê Arabica trên thị trường New York được cho là đã tăng 5.142 bao vào ngày 25/4, đạt mức 652.672 bao.

Còn tại thị trường trong nước, hiện giá cà phê trung bình ở các tỉnh Tây Nguyên là 134.000 đồng/kg, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 134.200 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 133.500 đồng/kg.

Giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá 133.800 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 134.200 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 134.300 đồng/kg.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục