Hiện trạng công nghệ chọn tạo giống lúa ở Việt Nam

06:03' - 26/12/2016
BNEWS Hiện nay, Việt Nam có trên 80% diện tích lúa được trồng bằng các giống lúa cải tiến và ngành nông nghiệp đã làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống lúa.

Cụ thể, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long với phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học (marker phân tử, nuôi cấy túi phấn) kết hợp với khảo nghiệm đồng ruộng đã chọn tạo giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt như: OM1490, OM2517, OM3536, OM2717, OM2718, OM3405, OM4495...

Các giống lúa OM1490,OM2517,OM3536... đã được trồng rộng rãi ở vùng sản xuất ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm với phương pháp thu thập nguồn vật liệu giống lúa cạn chịu hạn địa phương và các dòng lúa cải tiến nhập nội từ Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) với phương pháp lai hữu tính kết hợp với gây đột biến để tạo ra các tổ hợp lai có khả năng chịu hạn khá và năng suất cao như CH2, CH3, CH 133, CH5, HD8, P6, XH8…trồng rộng rãi ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Viện Di truyền Nông nghiệp tạo ra hàng loạt giống lúa nổi tiếng như DT10, DT11, A20, DT33, DT122, DT22, DT37, ĐS1,VS1, Khang Dân đột biến, DT68…có năng suất cao chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng là những giống chủ lực của miền Bắc vào những thập niên 90 của thế kỉ trước và tiếp tục phát huy ở thời gian hiện nay.

Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất lúa lai hai và ba dòng như Việt Lai 20,TH3-3,TH3- 4, TH3-5…  của Trường Đại học Nông Nghiệp 1 Hà Nội, các giống HYT 100, HYT 103, HYT 108,... của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNSH vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm 2015, tổng diện tích gieo trồng của Việt Nam là 7,66 triệu ha. Giống lúa đưa vào sản xuất là 255 giống (gồm 155 giống lúa thuần, 81/85 giống lúa lai, lúa nếp là 19/22 giống).

Việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNSH vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên chỉ có 66 giống lúa chính gồm 46 giống lúa thuần, 5 giống nếp và 15 giống lúa lai, chiếm 91% tổng số diện tích. Trong 12 giống lúa chính (chiếm 47% tổng diện tích gieo trồng trong cả nước) có 8 giống lúa của Việt Nam là các giống lúa IR50404, OM5451, OM4900, OM6976, OM4218, OM5954, BC15 và TH 3-3.

Mặc dù Việt Nam đã nắm vững được công nghệ trong chọn tạo giống với số giống được chọn tạo nhiều. Hàng năm, Việt Nam đưa ra nhiều giống mới nhưng vẫn chưa có giống lúa đặc sản có thương hiệu để xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu của các giống lúa chất lượng cao vẫn còn thấp.

Cho tới bây giờ, chưa có giống lúa xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam. Nguyên nhân của việc này là do Việt Nam đầu tư còn dàn trải, thiếu cán bộ giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các trang thiết bị máy móc cho nghiên cứu còn quá lạc hậu so với các nước trong khu vực. Một số đề tài công nghệ

sinh học vẫn chỉ là thí nghiệm, thậm chí không ít đề tài đang nằm lưu cữu trong phòng thí nghiệm. 

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc chậm triển khai đưa các ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, vẫn là lực lượng nghiên cứu công nghệ sinh học còn mỏng, kinh phí đầu tư quá thấp...

Trước yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng ngành sản xuất lúa gạo, yêu cầu đặt ra cho các nhà chọn tạo giống lúa là phải có các giống của Việt Nam tạo ra có chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu với phần lớn các yếu tố bất lợi: rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, virus, hạn, mặn, ngập trong 10 hoặc 15 năm tới. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải có các định hướng cụ thể:

* Đối với giống lúa thuần:

- Lựa chọn phát triển 2-3 giống lúa thơm bản địa có thương hiệu để tăng năng suất lên 6- 7 tấn/ha trong điều kiện giữ nguyên các đặc tính hiện có.

- Chọn tạo các giống lúa (cấp 2) có khả năng xuất khẩu từ 600- 800USD/tấn với các đặc tính cụ thể bao gồm: Năng suất 7-8 tấn/ha vụ Xuân, 6 tấn/ha vụ Mùa, chiều dài hạt >7mm, hàm

lượng amylose< 20%.

- Chọn tạo các giống ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm: giống lúa chịu được độ mặn lên đến 8 phần nghìn, năng suất từ 6-7 tấn/ha; giống lúa chịu hạn từ 15-20 ngày, năng suất từ 5-6 tấn/ha; giống lúa chịu úng ngập từ 7-12 ngày, năng suất từ  6-7 tấn/ha - Chọn giống Japonica: năng suất 7-8 tấn/ha, hạt

tròn, trong, amylose <18%, chống chịu sâu bênh, có mùi thơm.

* Đối với giống lúa lai:

 - Chọn tạo các giống lúa có năng suất cao từ 9-10 tấn/ha, hạt dài, thơm; các giống lúa có đặc tính kháng bạc lá, đạo ôn, rầy nâu với năng suất từ 7-8 tấn/ha và các giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn,thích ứng biển đổi khí hậu,  với năng suất 7-8 tấn/ha trong vụ xuân, 6-7 tấn/ha vụ hè.

Để đạt được các yêu cầu trên, Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn sâu theo định hướng phát triển công nghệ hiện đại vào chọn tạo giống. Cùng đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu đánh giá, giải mã gen và thu thập, trao đổi nguồn vật liệu khởi đầu.

Nhà nước có cơ chế để các công ty được hợp tác cùng các cơ sở nghiên cứu công lập trong việc khai thác nguồn gen, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt thực hiện việc gắn hoạt động của các chuyên gia tạo giống với các doanh nghiệp và doanh nghiệp cùng góp vốn để nghiên cứu.

Ngoài ra tăng cường hiệu quả hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một yêu cầu rất quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển khi các sản phẩm nghiên cứu của họ được bảo vệ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục