Hiệp định CPTPP: Áp lực lớn với ngành chăn nuôi

11:24' - 23/01/2019
BNEWS Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được thực thi tại Việt Nam từ 14/1/2019, sẽ tạo ra áp lực đối với ngành chăn nuôi.
Áp lực lớn với ngành chăn nuôi. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được thực thi tại Việt Nam từ 14/1/2019, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, điều này sẽ tạo ra áp lực đối với ngành chăn nuôi.

Bởi trong 11 nước tham gia Hiệp định thì có tới 6 nước hiện đang có năng lực, sức sản xuất của ngành chăn nuôi phát triển hơn Việt Nam. Điển hình như Australia, Canada, New Zealand...

Ông Dương cho biết thêm, mặc dù cũng có độ trễ, nhưng phải xác định rằng khi hiệp định này có hiệu lực thì có thể tạo thuận lợi hơn cho các ngành kinh tế khác, còn trong nông nghiệp thì áp lực với ngành chăn nuôi là cao hơn.

Điều lo ngại hiện nay là thuế xuất của các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm sẽ cắt giảm ngay.

"Tôi cho rằng, đây là một áp lực đối với ngành chăn nuôi, mặc dù sẽ không có tác động ngay trong năm 2019, nhưng trong các năm sau những nguy cơ từ các sản phẩm chăn nuôi cùng nhóm của các nước sẽ cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam", ông Dương nhấn mạnh.

Để giảm thiểu các áp lực và tận dụng những cơ hội để tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi, ông Dương cho rằng, mục tiêu là phải thúc đẩy chăn nuôi phát triển với tỷ lệ cao, dự kiến tăng trưởng khoảng 5-6% trong năm 2019. Xuất khẩu phấn đấu đạt 1 tỷ USD.

Do đó, trước mắt, cần phải triển khai nhanh Luật Chăn nuôi, đảm bảo rằng 2 Nghị định, 7 Thông tư phải hoàn thành trước ngày 1/1/2020 để khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thì chúng ta sẵn sàng triển khai ngay được.

Bên cạnh đó, đánh giá lại 10 năm Chiến lược phát triển chăn nuôi (2008 - 2018); tiếp tục xây dựng chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.

Đồng thời, tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cũng như điều chỉnh nội dung tái cơ cấu ngành giai đoạn 2020-2025. Theo đó, tổ chức ngành chăn nuôi thực hiện nhanh các chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã... tạo ra các chuỗi liên kết đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, phân phối được lợi nhuận cùa các bên tham gia như: người chăn nuôi, người giết mổ, thương lái đến người tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.

"Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ chăn nuôi (hàng hoá) sản xuất không biết bán cho ai, tức là không tham gia vào chuỗi liên kết nào; 100% cơ sở, hộ chăn nuôi phải gắn với 1 chuỗi liên kết", ông Dương nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát vật tư đầu vào để tăng năng suất, hạ giá thành, kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất lượng con giống, môi trường chăn nuôi...

Cuối cùng là kiểm soát dịch bệnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, bởi muốn xuất khẩu được thì phải kiểm soát được dịch bệnh; đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng. Đồng thời, tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh...

Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, năm 2019, tiềm năng ngành chăn nuôi xác định vẫn còn lớn, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm chăn nuôi của các nước châu Á đang có xu hướng tăng. Thị trường này đang rất tiềm năng đối với các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đầu tư về hạ tầng cho ngành chăn nuôi của các doanh nghiệp đang phát triển mạnh, tạo năng lực để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp.

Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NICF), do tác động của Hiệp định CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm và dịch vụ bảo hiểm.

Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ Hiệp định CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu.

Ông Thắng cho rằng, nếu tính cả các góc độ tăng trưởng của ngành, xuất nhập khẩu của ngành cộng với việc phẩn bổ lợi ích các nhóm trong xã hội thì ngành nông nghiệp có thể bị tác động nhiều nhất. Đặc biệt là ngành chăn nuôi, Việt Nam không có lợi thế và bị tác động.

Theo đó, nếu ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng thì đại bộ phận người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Hoàng Thanh Vân, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, vấn đề thuế suất 0% thì các sản phẩm chăn nuôi của những nước có thế mạnh về chăn nuôi như: Canada, Nhật Bản, Australia... sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chăn nuôi trong nước.

Do vậy, nếu không nhanh cải tiến và lựa chọn những sản phẩm lợi thế, đặc trưng để tập trung phát triển thì ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi. Bởi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện có chi phí sản xuất cao hơn so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển.

Bên cạnh đó, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, một sản phẩm nếu đã đăng ký thương hiệu quốc gia thì có thể xuất khẩu sang tất cả các nước còn lại trong khối, miễn sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nước sở tại và không có hạn ngạch. Không chỉ có sản phẩm thô mà cả sản phẩm chế biến của ngành chăn nuôi cũng ồ ạt vào Việt Nam.

Trong khi đó, các sản phẩm của nước ngoài rất đa dạng và phong phú, do vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước; thay đổi cách tiêu dùng truyền thống sang công nghiệp. Nhưng nó cũng có mặt tích cực, các sản phẩm đặc sản của Việt Nam như: lợn Móng Cái, gà Ri, gà H'mong... có thể xuất khẩu sang các nước trong cùng khối.

Do đó, theo ông Vân, bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi phương thức quản lý để hội nhập. Đồng thời, các trang thiết bị phục vụ cho ngành chăn nuôi khi nhập vào Việt Nam sẽ được giảm thuế, góp phần làm giảm chi phí sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục