Hiệp định EVFTA: Nông sản Việt hưởng lợi gì tại thị trường châu Âu?

08:02' - 09/06/2020
BNEWS Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam sang châu Âu hơn 15 tỷ euro và hơn 8 tỷ euro từ châu Âu sang Việt Nam mỗi năm.

Nhân dịp Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Nghị sĩ châu Âu thuộc Ủy ban nông nghiệp của Nghị viện châu Âu, Marc Tarabella, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Brussels về những cơ hội và thách thức đối với nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu, khi EVFTA đi vào thực thi.

Nghị sĩ Marc Tarabella tái khẳng định, về tổng thể, thỏa thuận với Việt Nam về nông nghiệp là một thỏa thuận tốt, bởi mỗi bên có các thế mạnh hoàn toàn khác nhau và ông cho rằng hiệp định có lợi thế hơn các trường hợp khác vì đó thường là hai bên cùng có những điểm mạnh tương tự, như Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện EU-Canada (CETA) hay trong quan hệ với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) các sản phẩm thịt luôn là vấn đề rất nhạy cảm.

Với trường hợp với Việt Nam thì mỗi bên lại có lợi thế riêng. Phía châu Âu có thể xuất khẩu thịt bò, các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, còn đặc biệt phía Việt Nam sẽ được hưởng một hạn ngạch miễn thuế với 30.000 tấn gạo trắng, 20.000 tấn gạo nguyên cám và 30.000 tấn gạo thơm, cùng với một số sản phẩm khác.

Ngoài ra, còn nhiều loại hàng hóa có chất lượng cao của Việt Nam, mà theo ông Tarabella thì có thể kỳ vọng vào hạt điều, chè và cà phê. Việt Nam hiện có những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn.

Và đây là những sản phẩm sẽ được miễn thuế. Rõ ràng là có sự bổ sung rất lớn giữa châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiệp định là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Mục tiêu của Hiệp định là loại bỏ các hàng rào thuế quan trong một khoảng thời gian nhất định, ở đây là 7 năm.

Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam sang châu Âu hơn 15 tỷ euro và hơn 8 tỷ euro từ châu Âu sang Việt Nam mỗi năm.

Ông Tarabella đánh giá triển vọng rõ ràng là rất tích cực. 65% thuế nhập khẩu của Việt Nam sẽ được bãi bỏ khi Hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được thực hiện dần cho đến năm 2030.

Nghị sĩ châu Âu cho rằng điều này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp đối với người Việt Nam.

Chắc chắn là trong tương lai, khi Hiệp định có hiệu lực hoàn toàn Việt Nam cần tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để thuận lợi hơn cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn một thách thức thực sự, đó là vấn đề tôn trọng các quy tắc vệ sinh an toàn về thực phẩm, cần phải đảm bảo rằng các sản phẩm đáng tin cậy theo tiêu chuẩn châu Âu. Ông Tarabella nhấn mạnh đến lợi ích của việc tôn trọng các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Ông cho biết vài năm trước khi ông gặp những người nông dân trồng điều, họ nói đây là sản phẩm được làm ra với chất lượng tuyệt vời nhưng lại không thể xuất khẩu sang châu Âu vì thị trường này không chấp nhận các tiêu chuẩn về sản phẩm.

Ông đánh giá muốn cải thiện các tiêu chuẩn thì rõ ràng phải có sự kiểm soát và khâu sản xuất phải tuân thủ các chuẩn mực của cấp độ vệ sinh châu Âu, và một khi vấn đề này được giải quyết thì Việt Nam có thể tăng trao đổi thương mại trong tương lai.

Một khía cạnh khác rất quan trọng đó là sự tuân thủ các quy trình trong sản xuất và xác định nguồn gốc xuất xứ.

Việt Nam sẽ tôn trọng 169 chỉ dẫn địa lý châu Âu, trong khi phía EU cũng sẽ tôn trọng các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, chúng không thể là đối tượng của hàng giả và do đó được bảo vệ tốt hơn.

Nghị sĩ Tarabella nhắc đến hạt tiêu Phú Quốc, mặt hàng mà ông thực sự yêu thích, như một ví dụ. Bên cạnh đó ông nhấn mạnh một số loại chè, cà phê nhất định phải được bảo vệ tốt hơn.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU cũng sẽ đóng vai trò là đòn bẩy để cải thiện các tiêu chuẩn mà ông vừa đề cập, dù là về các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay những chương về phát triển bền vững đều cần được cải thiện.

Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, với Hiệp định này, Việt Nam đã cam kết tôn trọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như cải thiện quyền của người lao động. Đây là một quá trình đã được bắt đầu và điều này sẽ còn tiếp tục.

Hiệp định thực sự là một cơ hội để mở rộng trao đổi và hội tụ các điều kiện để hướng tới các tiêu chuẩn tham vọng hơn.

Ông Tarabella lạc quan nhận định rằng các hành động để đưa Hiệp định đi vào thực thi chính là một cơ hội, tất cả chúng ta đều có mối quan tâm, cả ở cấp độ châu Âu, trong việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường tốt hơn.

Trong tương lai, có thể là Việt Nam, EU và tất cả các nơi khác trên thế giới, mọi người không còn coi tiêu chuẩn môi trường là hạn chế mà chính là cơ hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục